Hàng ngàn văn bản quy phạm sai về thẩm quyền ban hành và nội dung được ghi nhận trong báo cáo về kiểm tra, xử lý văn bản năm 2014 của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ. Gần 6.000 văn bản được cho là “đã xử lý xong”, nhưng vấn đề là trong văn bản này, không thấy đề cập đến cách xử lý, trách nhiệm của các công chức, tác giả của những văn bản sai, tham mưu sai lại càng không được nói đến.
Điều này cũng giống như cách xử lý lâu nay từng thấy, rất nhiều nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành đã bị báo chí, dư luận phản ứng, thậm chí tuổi thọ văn bản chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Nhưng không thấy có bất cứ thông tin công khai nào cho thấy, những người ký ban hành sai, tham mưu sai bị xử lý. Ban hành sai, văn bản chết yểu, gây sóng gió dư luận rồi cứ “thu hồi”, “hủy” là xong.
Phải thừa nhận, trong những năm gần đây bộ máy nhà nước đã xây dựng và ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đồ sộ, điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội. Nhưng cũng có thực tế rằng, chất lượng VBQPPL còn thấp và ngày càng xuất hiện nhiều VBQPPL yếu kém.
Sự yếu kém thể hiện ở chỗ các quy định pháp luật có hiệu lực thấp, chồng chéo, mâu thuẫn, kém minh bạch.
Trong báo cáo về chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2014 (MEI 2014), do VCCI công bố hồi cuối tháng 6.2015 vừa rồi cũng cho thấy, chất lượng văn bản rất kém. MEI 2014 có sự tham gia của khoảng 60% hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động tại VN, đánh giá trên 18 chỉ tiêu nhỏ, phân bổ vào 5 bộ chỉ số: Soạn thảo VBQPPL; chất lượng văn bản; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật. Kết quả 4/5 chỉ số của MEI 2014 tăng điểm so với 2 năm trước (tăng trung bình 10%). Nhưng chỉ số quan trọng nhất là hiệu quả “soạn thảo văn bản” hoàn toàn chưa có sự cải thiện, thậm chí tính minh bạch trong soạn thảo văn bản lại còn bị đi xuống.
Khi một chính sách đưa ra gặp sai sót, bị phản đối, các cơ quan thường có xu hướng đổ lỗi cho “văn thư”, “đánh máy”… thay vì truy trách nhiệm, ai là người tham mưu, ai là người ký duyệt và xử lý theo quy định của luật Cán bộ công chức và luật Ban hành VBQPPL. Và đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng VBQPPL chất lượng kém.
Chính sách, pháp luật là sản phẩm của cơ quan nhà nước. Một công dân làm sai thì bị phạt, thậm chí truy cứu hình sự, không lẽ, cơ quan quản lý đưa ra sản phẩm không sử dụng được, lại còn làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Nhà nước mà chỉ thu hồi, hủy bỏ là xong!
Bình luận (0)