Cú lội ngược dòng đáng nể của chàng trai ĐH Bách khoa

04/05/2022 15:50 GMT+7

Rớt liên tục 9 môn sau 3 học kỳ, áp lực từ người thân khiến Bình từng có lúc muốn bỏ hết mọi thứ. Nhưng một bước ngoặt đến giúp chàng trai Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lội ngược dòng đáng nể.

Chàng trai Bách khoa chia sẻ với phóng viên
thúy hằng

Dương Công Bình (22 tuổi, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) có việc làm trong một doanh nghiệp nước ngoài trước khi nhận bằng kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Có việc làm sớm, nhận bằng kỹ sư sau 4 năm học không phải dễ dàng cũng không quá khó với nhiều bạn trẻ, nhưng với Bình, điều đó có lúc tưởng chừng như không thể.

Những kỳ vọng

Là con trai trưởng trong gia đình, từ nhỏ Bình đã nhận được sự kỳ vọng lớn lao của cả gia đình. Song, khi sự kỳ vọng càng lớn, thì áp lực người trong cuộc cảm nhận được cũng không nhỏ.

Học kỳ 1 của năm học đầu tiên, Bình thi rớt 2 môn. Người buồn nhất là ba Bình. Bình cảm nhận được thất vọng của ba nên càng khổ tâm.

“Tôi rất hiểu cho nỗi lòng của ba nhưng không hiểu sao thời gian đó tôi liên tục không qua được môn”, Bình hồi tưởng.

Học kỳ 2 của năm nhất ĐH, Bình thi rớt thêm 5 môn. Bước sang năm thứ 2, anh tiếp tục rớt thêm 2 môn đại cương, nâng tổng số môn thi trượt của mình lên 9. Tâm trạng bất ổn, thường xuyên chán chường trong học tập, cộng thêm việc ngày nào cũng phải đi về hơn 40 km từ nhà Gò Vấp đến Làng đại học (TP.Thủ Đức), Bình càng không tìm thấy động lực.

“Một thời gian dài tôi có đăng ký môn nhưng không học mà đi chơi. Tôi vẫn đi làm thêm ở quán cà phê, làm nhân viên trông xe, bán hàng… nhưng riêng việc học thì tôi chưa tìm thấy đam mê”, Bình nhớ lại quãng thời gian “lạc lối” của mình.

Một ngày, ngồi xuống, nhìn lại những ngày tháng trôi qua, Bình giật mình tự hỏi: “Phải chăng tôi đã sống sai rồi? Tại sao mình chưa từng thử học hành nghiêm túc để biết rằng bản thân đã thật sự cố gắng hết mình hay chưa?”.

Gia đình Bình trong ngày anh nhận bằng kỹ sư

2 ngày liên tiếp không ngủ

Thế là, Bình quyết tâm làm lại tuổi trẻ của mình. Chàng trai Bách khoa lúc ấy nặng gần 100 kg và việc thay đổi đầu tiên trong hành trình tìm lại chính mình của anh là tập thể dục để giảm cân!

“Ngày nào tôi cũng nhảy dây hơn 1.000 cái. Từ gần 100 kg, tôi giảm còn 80 kg. Tôi cũng tìm ra cách học ở ĐH, đó là chịu khó nghe giảng. Giảng đường rất đông, chú ý nghe giảng sẽ cho sinh viên nhiều kỹ năng quan trọng. Sau đó, tôi có một nhóm bạn cùng học kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, cùng ở Q.Gò Vấp. Chúng tôi thường ôn bài từ sáng tới tối muộn trong các quán cà phê trước các kỳ thi”, Bình kể.

“Đỉnh cao” trong quá trình ôn tập của Bình là ngồi học, làm đồ án từ sáng tới 0 giờ tại một quán cà phê. Quán đóng cửa thì anh và các bạn chuyển sang một quán cà phê mở cửa thâu đêm khác ở Q.Gò Vấp, ngồi tới 12 giờ trưa hôm sau.

“Chỉ thi thoảng tôi mới học thâu đêm như vậy vì thức khuya hại cho sức khỏe. Động lực của tôi là điểm số những môn học nhích dần lên. Từ học kỳ 2 của năm 2, tôi không còn để mình bị rớt môn nào nữa. Học kỳ ấy, tôi đăng ký 24 tín chỉ, tối đa của mỗi sinh viên và vượt qua hết. Điểm trung bình học kỳ của tôi là 7,5”, Bình kể.

Vào năm 3, các môn chuyên ngành nhiều hơn, Bình càng tìm thấy hứng thú trong học tập. Học kỳ 1 của năm thứ 3 ĐH, lần đầu tiên Bình được học bổng.

Bình và cha mình trong ngày anh nhận bằng kỹ sư
nvcc

Hè năm thứ 3 ĐH, Bình giải quyết hết 9 môn còn nợ để bước vào năm 4 ĐH, gấp rút hoàn thành các môn chuyên ngành. Đủ điều kiện để làm luận văn tốt nghiệp, Bình nỗ lực để luận văn được hoàn thành tốt nhất.

Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình may mắn khi được học chung với những người bạn rất giỏi, họ cho tôi thấy mình phải cố gắng nhiều hơn. Tôi cũng thấy biết ơn khi được học và được hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp bởi tiến sĩ Lê Bá Khánh. Thầy đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều”.

Đề tài luận văn tốt nghiệp về cầu bê tông đúc hẫng cân bằng, Bình được 8,08 điểm. Số điểm chưa phải quá cao, nhưng nếu ở thời điểm khó khăn của 2 năm trước, Bình chưa bao giờ dám nghĩ tới.

“Tôi bảo vệ luận văn vào tháng 7.2021 bằng hình thức trực tuyến, vì đúng lúc dịch bệnh đang căng thẳng. Ba tôi hồi hộp đến mức không dám ngồi trong phòng nghe con trai trả lời các câu hỏi của hội đồng giám khảo. Nhưng đến buổi chiều, biết số điểm của tôi, ba đã rất mừng”, Bình tâm sự.

Điều hạnh phúc nhất

Bình mới được nhận bằng kỹ sư, loại khá. Trước đó, từ tháng 10.2021 anh đã được nhận vào công ty Simpson Strong-Tie, công ty xây dựng của Mỹ có trụ sở ở TP.HCM, chuyên về xây dựng nhà gỗ với vai trò kỹ sư bóc tách khối lượng (QS).

Sau một thời gian, Bình chuyển sang công ty khác vì muốn thử thách bản thân nhiều hơn. Hiện anh là kỹ sư của công ty xây dựng Central, trụ sở ở TP.Thủ Đức, TP.HCM. “Công việc cũ làm 8 giờ trong văn phòng với mức lương cao. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn được ra công trình, dù mỗi ngày có thể làm việc nhiều thời gian hơn, nhưng được tiếp xúc với nhiều người, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và phát triển năng lực của bản thân”, Bình bộc bạch.

Bình (mũ trắng) đang là kỹ sư giám sát tại công ty Central
Bình và tiến sĩ Hà Anh Tùng

Bình chia sẻ: "Tuổi trẻ ai cũng có một lúc nào đó sai lầm, lạc đường, nhưng quan trọng là mình biết tìm ra niềm yêu thích của bản thân, tìm ra lý do để học và khi học thì “học cho ra học”. Để bước vào trường ĐH không chỉ vì có tấm bằng tốt nghiệp và khi bước ra đời có thể tìm thấy sự đam mê, hướng mình sẽ đi".

Trong những bức ảnh đẹp nhất của Bình, có tấm cho thấy anh và ba đứng ở sân Trường ĐH Bách khoa, lúc đó anh cầm tấm bằng kỹ sư. Ba của Bình không khen ngợi con trai câu nào nhưng gọi điện cho nhiều người rưng rưng nói về thành tựu của con.

“Suốt những năm tháng qua tôi cố gắng, thất bại rồi lại cố gắng, vì luôn đi tìm một sự công nhận của ba mình. Đến bây giờ, tôi đã được ba công nhận. Đó là điều tôi hạnh phúc nhất”, anh bộc bạch.

Tiến sĩ Hà Anh Tùng, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt lạnh, khoa cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người hiểu rõ hành trình nỗ lực của Bình, cho rằng đây là một minh chứng “từ vực thẳm đến đỉnh cao nhiều khi chỉ cách nhau một... đêm suy nghĩ, thái độ sống của chúng ta hôm nay sẽ quyết định kết quả ngày mai”.

“Tôi muốn nhắn gửi thông điệp tới nhiều sinh viên khác: Không phải mọi cố gắng đều dẫn đến thành công nhưng muốn thành công thì phải cố gắng. Vậy nên hãy nỗ lực và giữ động lực cho mình, không gì là không thể”, tiến sĩ Tùng, người tham dự lễ nhận bằng kỹ sư của chàng trai Bách khoa trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.