Cứ lướt mạng là... chốt đơn, làm sao để kiểm soát?

25/08/2024 16:51 GMT+7

Cứ lướt mạng xã hội là... chốt đơn, nhiều bạn trẻ ta thán tiền làm ra bao nhiêu lại trôi theo các đơn hàng online nhưng không thể nào kiểm soát được. Đây là thực trạng của không ít người trẻ hiện nay.

Chưa có nhu cầu, nhưng cứ thấy là... chốt đơn

Nguyễn Mai Lam Thuyên (23 tuổi), trú tại P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM, cho biết bản thân đặc biệt thích những trang phục và phụ kiện thời trang "bắt trend". Khi lướt TikTok, những sản phẩm đúng sở thích của mình hay xuất hiện khiến cô nàng khó lòng kiểm soát mà chốt đơn, mặc dù trước đó không có ý định mua sắm. Ngoài tra, TikTok cũng thường có nhiều mã giảm giá và giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn so với thị trường nên tuy chưa có nhu cầu nhưng sự hấp dẫn này khiến Thuyên không... cầm lòng được.

Cứ lướt mạng là... chốt đơn, làm sao để kiểm soát?- Ảnh 1.

Mặc dù chưa có nhu cầu nhưng khi lướt mạng xã hội, nhiều bạn trẻ luôn bị cám dỗ bởi sự hấp dẫn của các món hàng và thế là chốt đơn không kiểm soát

THỤC HIỀN

Cũng như Thuyên, Trần Thị Minh Hiền (25 tuổi), trú tại đường Nguyễn Khuyến, P.Vĩnh Hải, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cứ lướt mạng xã hội là bị "cám dỗ". Có hôm vô tình lướt trúng một video đăng bán sản phẩm nào đó mà mình thích, Hiền dừng lại và vào trang bán hàng để tìm hiểu thêm, nếu sản phẩm không được ưng ý hay không có size phù hợp, cô nàng sẽ tìm kiếm và mua một sản phẩm tương tự thế. Đôi khi sau một sản phẩm ưng ý, cô nàng lại tìm thêm trong trang cá nhân này những sản phẩm khác để chốt đơn luôn thể.

Hiền cho biết: "Những lần chốt đơn gần đây đều là mình vô tình thấy sản phẩm và không có ý định mua trước đó, tuy nhiên sau đó mình lại không thể kiểm soát bản thân. Vì sản phẩm mình mua thường chỉ dao động từ vài chục đến 100.000 đồng/đơn hàng, khá "mềm" so với tài chính bản thân nên có khi mình mất kiểm soát. Đỉnh điểm có đêm mình chốt đến 6 đơn, đến hôm sau giật mình, không hiểu sao bản thân lại có thể mua hàng vô tội vạ đến thế".

Nguyễn Thị Mai (25 tuổi), trú tại xã Phú Hội, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cho biết có những ngày cuối tháng, trong người chỉ còn ít tiền nhưng lướt Facebook thấy những phiên live (phát trực tiếp) túi xách, quần áo hoặc giày dép, cô nàng thường bấm vào xem và cứ thế chốt đơn, mặc dù biết những ngày sau sẽ phải ăn mì gói. Có nhiều sản phẩm Mai mua về nhưng chưa dùng đến, tuy nhiên khi lướt mạng xã hội và thấy thứ yêu thích mà trong tủ của mình chưa có, Mai lại tiếp tục đặt hàng.

Hiện tại, Mai đang cố gắng hạn chế sử dụng mạng xã hội để tiền không "trôi" theo các đơn hàng. Cô nàng bày tỏ: "Biết bản thân không thể kiểm soát khi lướt thấy các phiên live trên Facebook, vì vậy vào những buổi tối, thay vì lướt mạng xã hội để giải trí, mình chuyển sang xem phim để không phải tốn tiền vì chốt đơn vô tội vạ".

Làm sao để kiểm soát?

Theo tiến sĩ Lê Thị Hoài, giảng viên Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường ĐH Thương mại, các sản phẩm trên mạng xã hội thường được trình bày rất bắt mắt, với hình ảnh đẹp, màu sắc tươi tắn, mẫu mã và kích thước đa dạng. Điều này khiến khách hàng dễ bị thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cùng với đó, các mặt hàng trên các nền tảng này cũng có giá khá thấp khiến người mua có niềm tin rằng họ sẽ sở hữu được những món đồ rẻ nhưng chất lượng.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hoài cho biết các sản phẩm trên mạng xã hội thường được tung ra với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá trong thời gian ngắn, đặc biệt trên các phiên livestream (phát trực tiếp) khiến khách hàng có cảm giác sẽ lỡ mất đi một "món hời" nào đó nếu không chốt đơn ngay lập tức.

Cứ lướt mạng là... chốt đơn, làm sao để kiểm soát?- Ảnh 2.

Nguyễn Thị Mai cho biết cô sẽ hạn chế sử dụng mạng xã hội để kiểm soát hành vi mua hàng trực tuyến

Thục Hiền

Tiến sĩ Hoài cho biết thêm hầu hết các sản phẩm được ưa chuộng trên mạng xã hội là hàng tiêu dùng có giá trị thấp, số tiền cần bỏ ra cho một món hàng như thế thường khá nhỏ so với khả năng chi trả của các cá nhân. Khi nhận về sản phẩm không như ý thì tổn thất cho mỗi đơn hàng không quá lớn và không ảnh hưởng nhiều đến tài chính của mỗi người. Vì vậy, khi "rút ví" cho các món hàng này, các bạn ít đắn đo và khó kiểm soát được hành vi của mình.

"Cũng chính vì thế, có nhiều trường hợp mặc dù đã nhận về những sản phẩm không giống mô tả, đôi khi là không thể sử dụng được, nhưng rồi lần lướt mạng sau, các bạn vẫn chốt đơn khi thấy sản phẩm ưng mắt", tiến sĩ Hoài nhận định.

Để giảm thiểu hành vi mua hàng trực tuyến mất kiểm soát, tiến sĩ Hoài cho rằng người trẻ nên có thêm bước cân nhắc trước khi mua hàng. "Các bạn nên mua tại những trang bán hàng công khai mọi tin nhắn và phản hồi của người mua hoặc có thêm website, các nền tảng kinh doanh trực tuyến khác. Sau đó đọc thêm các bình luận phản hồi để so sánh giá cả, chất lượng. Từ đó cho bản thân thêm thời gian để cân nhắc xem có nhu cầu mua sản phẩm không", tiến sĩ Hoài khuyên và cho rằng cũng nên lưu lại hình ảnh rồi tham khảo ở nhiều trang bán hàng, sàn thương mại hoặc các cửa hàng có sản phẩm tương tự và nên mua tại các trang thương mại điện tử uy tín để tránh "tiền mất, tật mang". Cùng với đó, việc giảm bớt thời gian lướt mạng xã hội, dành nhiều hơn cho việc nghiên cứu, học tập và các mối quan hệ xã hội đời thực cũng là một cách để hạn chế hành vi mua hàng trực tuyến mất kiểm soát.

Còn với góc nhìn tâm lý học, theo tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sự ẩn danh trên không gian mạng là một nguyên nhân khiến người trẻ dễ dàng chốt đơn. Thay vì tương tác với con người trong một cửa hàng bán lẻ truyền thống, khi mua sắm trực tuyến, người dùng không bị ai quan sát và can thiệp, từ đó mua sắm thoải mái hơn.

Ở một khía cạnh khác, mua sắm trực tuyến có thể mang lại sự giải thoát tạm thời khỏi những căng thẳng trong cuộc sống, hay các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và mang lại niềm vui và sự hài lòng ngay lập tức.

Qua đó, ông Vũ cũng cho biết: "Khi đã xác định được những nguyên nhân thôi thúc chúng ta thực hiện hành vi mua sắm từ đó thì từ đó tìm ra chìa khóa kiểm soát và điều chỉnh hành vi của mình. Một chiến lược hữu ích là theo dõi các tác nhân khiến chúng ta thực hiện hành vi chốt đơn này và cũng cần nhắc nhở bản thân rằng đây chỉ là niềm vui tạm thời và chúng không thực sự cần thiết".

Ông Vũ cho rằng bạn trẻ hãy ghi chú lại những yếu tố kích thích cơn thèm mua sắm, ví dụ: sự sợ hãi, cô đơn, mâu thuẫn với gia đình... và hậu quả của chúng. Hoặc có thể chia sẻ với gia đình, bạn bè thân thiết. Cách tiêu xài của bạn có mối tương quan với những người xung quanh. Nếu biết về vấn đề của bạn, họ sẽ dễ tìm cách phù hợp để hỗ trợ. Trong trường hợp bạn thường xuyên chốt đơn mất kiểm soát thì nên tránh việc mua sắm một mình, hãy chia sẻ cùng bạn bè, người thân, nhất là những người luôn sáng suốt trước những "cạm bẫy" chi tiêu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.