Trăm kiều nguyệt nga chung một kiểu ngã
Trong mỗi cuộc thi, các thí sinh đều phải diễn các trích đoạn cải lương, thậm chí diễn tới mấy trích đoạn vì phải thi qua mấy vòng. Như vậy, tính ra có rất nhiều trích đoạn được thể hiện. Và mấy chục năm nay, các trích đoạn đã được diễn đi diễn lại đến nát nhừ. Lý do là vì thí sinh phải chọn các trích đoạn kinh điển, mẫu mực, thành ra cứ giẫm chân lên nhau mà chọn hết mùa này đến mùa khác.
Đành rằng chúng ta có cả trăm trích đoạn, nhưng diễn suốt mấy chục năm trong rất nhiều cuộc thi và cả hàng trăm live show của nghệ sĩ, hàng nghìn chương trình biểu diễn, sự kiện… thì tỷ suất lặp đi lặp lại là rất cao. Mãi rồi khán giả thuộc lòng, trích đoạn này Lục Vân Tiên phải đưa quạt ra, Kiều Nguyệt Nga phải ngã xỉu vào tay chàng khi bất ngờ gặp lại; trích đoạn kia thì Dương Vân Nga phải đưa tay thế này, Nhụy Kiều tướng quân phải lạy thế kia, Thượng Dương hoàng hậu phải đi gối năn nỉ Ỷ Lan như vậy…
Không thể phủ nhận các trích đoạn kinh điển trong cải lương đều rất cần thiết cho diễn viên, bởi đó là khuôn mẫu chuẩn mực giúp diễn viên luyện nghề. Tuy nhiên, nếu cứ quanh đi quẩn lại bao nhiêu trích đoạn ấy thì xem ra khó tìm được tài năng thực sự, bởi hầu như thí sinh nào cũng diễn đúng cái khuôn đó, ít có sự sáng tạo riêng của mình. Kiều Nguyệt Nga của NSND Bạch Tuyết đã ngã xỉu thế nào thì hàng trăm diễn viên hậu sinh cũng phải ngã xỉu y như vậy, và cứ sàn sàn giống nhau về tư thế, hành động, thật tình khó bật lên cái riêng. Chưa kể xem mãi thì tính hấp dẫn, mới mẻ cũng không còn.
|
Làm mới không khó
Chợt nhớ tới cuộc thi Kịch cùng bolero trên truyền hình, các bạn trẻ lẽ ra cũng có thể sử dụng các tác phẩm cũ, nhưng không, họ tự viết các trích đoạn kịch hoàn toàn mới, chất lượng và hấp dẫn vô cùng. Mỗi buổi diễn là họ đã góp thêm cho gia tài kịch nói một chút phong phú, một chút mới mẻ.
Như vậy tại sao cải lương không thể có những trích đoạn mới? Thực sự tâm lý nhiều người vẫn sợ trích đoạn mới sẽ không đủ sức “đấu” với các trích đoạn cây đa cây đề. Chính vì vậy, không có bao nhiêu người chọn cái mới, hoặc viết cái mới. Nhưng nhớ lại thì trong nhiều năm trước, cố đạo diễn Hữu Lộc của tỉnh Long An là người từng viết một số trích đoạn mới cho thí sinh đi thi và được giải rất cao. Tiếc thay, người như Hữu Lộc không nhiều.
Vấn đề là ban tổ chức các giải có quan tâm đến cái mới hay không, nếu họ đặt ra thể lệ là vòng chung kết bắt buộc thí sinh phải thi với trích đoạn mới thì tất nhiên mọi người sẽ đầu tư mà viết, dựng, diễn. Thậm chí, sở VH-TT hoặc hội sân khấu, đài truyền hình có thể tổ chức cuộc thi viết trích đoạn cải lương mới, như vậy ta đã có sự chuẩn bị, có một kho trích đoạn tha hồ cho thí sinh chọn lựa khi đến mùa thi. Đời sống cải lương sẽ thêm phần mới mẻ, phấn khích. Cải lương nguyên tuồng giờ đang khó khăn, vở cũ dựng lại nhiều hơn vở mới, thì xin mọi người hãy cố gắng làm mới các trích đoạn để bộ mặt cải lương có phần hấp dẫn.
Về lực lượng tác giả cải lương, họ hoàn toàn có khả năng chấp bút. Tác giả Đức Hiền nói: “Chúng tôi đủ chuyên môn để viết, nhưng khổ nỗi nhiều em thí sinh muốn chọn trích đoạn cũ cho chắc ăn, vì sẵn khuôn mẫu thì tập tuồng lẹ hơn”. NSƯT Phượng Loan, 4 năm liền là huấn luyện viên của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, cũng nói: “Các thí sinh đa số chỉ ca giỏi thôi chứ về phần diễn thì chưa giỏi, nên vẫn thích chọn trích đoạn kinh điển để thể hiện tự tin hơn. Tuy nhiên, năm ngoái chúng tôi đã thử đặt hàng một số trích đoạn mới, dù huấn luyện có phần vất vả một chút nhưng các em vẫn thi rất tốt”.
Bình luận (0)