'Cứ mua, đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào hỏi sao mua đắt vậy'

07/11/2022 21:35 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho biết hiện nay chưa có quy định cụ thể để quyết định giá mua, đấu thầu mà chỉ dựa vào kê khai giá của doanh nghiệp dẫn đến rủi ro cho người duyệt giá.

"Tôi thấy đúng là rất oan ức"

Chiều 7.11, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về luật Giá sửa đổi; luật Đấu thầu sửa đổi và việc bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu mới theo tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thảo luận tại tổ chiều 7.11

gia hân

Liên quan tới luật Giá sửa đổi, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nói cảm giác của bà khi đọc dự án luật này là “chung chung”.

“Quay đi quay lại vẫn là chúng ta lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu cho kê khai giá. Nhà nước xem xét giá kê khai có phù hợp hay không, doanh nghiệp khi áp dụng phải niêm yết giá”, bà Lan nói, và cho rằng phải xem xét lại vì cách làm này “không ổn”.

“Khi xảy ra chuyện, nhiều vụ án chúng ta kết tội doanh nghiệp ăn lời cắt cổ, ăn trên xương máu của người dân như vụ kit test vừa rồi... nhưng thử hỏi chúng ta có căn cứ nào để xử phạt không? Nói là cao thì như thế nào là cao?”, bà Lan nêu thực tế.

Dẫn thực tế trong lĩnh vực dược phẩm mình từng làm quản lý, bà Lan cho rằng, hệ thống nhà thuốc trước 1975 thống nhất từ bán sỉ tới bán lẻ có tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 20%. Còn hiện nay không có quy định gì cả, trong khi đây mới là vấn đề cốt lõi.

“Nếu chúng ta đã có ý định để nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định con số này. Tránh việc như bây giờ cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2 - 3 lần giá nhập hải quan... Nếu không có quy định thì cao gấp 10 lần cũng không thể nói là đắt được”, bà Lan nêu quan điểm.

Từ đó, bà Lan kiến nghị làm sao đảm bảo cơ chế thị trường nhưng vẫn tránh được trường hợp đầu cơ, tăng giá không phù hợp. Theo đó, bà đề nghị quy định rõ tỷ suất, biên độ lợi nhuận với một số những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, xăng dầu, lương thực thực phẩm như gạo...

“Chuyện doanh nghiệp kê khai giá, nhà nước duyệt, tôi thấy chưa phát huy tác dụng vì căn cứ vào cái gì để duyệt. Mai sau nếu dư luận kêu ầm ầm lên cái này đắt, cái kia rẻ lại lôi các chuyên viên, người có trách nhiệm duyệt giá ra xử lý, nhưng thực sự họ cũng không có gì làm cơ sở nên tôi thấy đúng là rất oan ức”, bà Lan nêu.

Lưu ý cả giá trần lẫn giá sàn

Bà Lan cũng nêu thực trạng lâu nay chỉ quan tâm tới giá trần mà ít quan tâm tới giá sàn, tức giá tối thiểu.

“Nếu giá sàn rẻ mạt chưa chắc đã là tốt”, bà Lan nói.

Bà Lan phân tích, với sự phát triển của công nghiệp dược, chúng ta đã có những đơn vị dược được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu... Tuy nhiên, việc đấu thầu theo hướng giá rẻ thì trúng thầu khiến những đơn vị này không thể cạnh tranh được.

"Tôi từng chứng kiến có trường hợp đến chữa bệnh mỡ trong máu cao, một bệnh viện thuộc tuyến thành phố kê tiền đơn thuốc 1 tuần là 20.000 đồng. Tôi nghĩ không biết thuốc đó chữa cái gì. Thuốc bằng bột mì cũng không có giá đó. Vậy mà vẫn làm được”, đại biểu đoàn TP.HCM kể và cho biết, nếu để ý có thể thấy “các toa thuốc ở bệnh viện công và bệnh viện tư khác nhau, giữa khám dịch vụ với khám bảo hiểm còn khác nữa”.

Theo bà Lan, những loại thuốc giá rẻ sẽ giết chết công nghiệp dược. “Do đó đối với luật Giá phải lưu ý cả giá trần và giá sàn”, bà Lan kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.