Đội tuyển Indonesia vỡ mộng?
Sau 3 trận hòa đáng khen trước Ả Rập Xê Út, Úc và Bahrain, đội tuyển Indonesia tự tin hướng tới tham vọng đứng thứ ba hoặc thứ tư ở bảng đấu, nhằm có vé vào vòng play-off tiếp tục tranh suất dự World Cup 2026. Tuy nhiên, thất bại với tỷ số 1-2 trước Trung Quốc là đòn đau với thầy trò HLV Shin Tae-yong.
Để thua đối thủ "nhẹ" nhất bảng (trên lý thuyết), cơ hội đi tiếp của Indonesia suy giảm đáng kể. Tháng 11 tới, học trò ông Shin sẽ đối đầu Nhật Bản và Ả Rập Xê Út. Nếu tiếp tục không thắng, cánh cửa sẽ ngày càng hẹp hơn.
Trận thua trên sân Thanh Đảo không chỉ tô vẽ thiếu sót của Indonesia (về khả năng áp đặt lối chơi, tổ chức tấn công khi đá ở thế cửa trên), mà còn dồn áp lực lên vai HLV Shin Tae-yong. Báo chí Indonesia chỉ trích HLV người Hàn Quốc vì đã thử nghiệm cầu thủ, trao cơ hội cho nhiều cầu thủ thuần Indonesia ở trận đấu phải thắng, thay vì tung ra đội hình có 8, 9 cầu thủ nhập tịch như trước Úc hay Bahrain.
Dù HLV Shin Tae-yong khẳng định Indonesia sẽ thắng ở trận lượt về với Trung Quốc và không buông bỏ tham vọng đoạt vé vào vòng sau, nhưng đội bóng xứ vạn đảo đứng trước thế phải tìm đường lùi. Đó có thể là sân chơi AFF Cup 2024, mà chỉ 4 tháng trước thôi, Indonesia còn xem nhẹ.
Bài học
Sau khi đoạt vé lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2026, HLV Shin Tae-yong từng úp mở: "Tôi không biết liệu có cần phải vô địch AFF Cup hay không, nhưng chắc chắn giải châu Á lớn hơn Đông Nam Á. Tôi yêu cầu các bên không giới hạn ở AFF Cup mà hãy tiến lên nữa để nhìn thấy những điều lớn lao hơn tại Asian Cup hay World Cup".
Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) cũng ủng hộ ý tưởng này khi nhấn mạnh sẵn sàng cử U.22 Indonesia dự AFF Cup 2024, để dồn sức đội tuyển quốc gia cho tham vọng lớn hơn.
Tuy nhiên, nếu không tập trung cho sân chơi Đông Nam Á, Indonesia có thể rơi vào "vết xe đổ" của đội tuyển Việt Nam và Thái Lan.
Tấm vé lọt vào vòng loại thứ ba World Cup là phần thưởng cho nỗ lực, nhưng đồng thời cũng là cám dỗ, khiến những đội tuyển trung bình ở châu Á ngộ nhận về đẳng cấp. Với Indonesia, Thái Lan hay Việt Nam, lọt vào vòng loại cuối để tranh tài với những đối thủ mạnh, không đồng nghĩa các đại diện Đông Nam Á có thể vươn mình thành đội mạnh trong tương lai gần.
Đội tuyển Thái Lan từng xem nhẹ AFF Cup 2018, sau khi góp mặt ở vòng loại World Cup 2018. Giấc mơ vươn ra châu Á khiến "Voi chiến" không còn mặn mà ở Đông Nam Á. Bởi họ cho rằng mình đã thừa danh hiệu ở AFF Cup, nhưng lại thiếu ở Asian Cup, World Cup.
Nhưng thất bại nối đuôi nhau kéo dài từ vòng loại World Cup 2018, AFF Cup 2018 đến Asian Cup 2019 buộc Thái Lan phải trở lại "ao làng", vô địch tại đây nhằm kiến tạo niềm tin cho giai đoạn mới.
Tương tự, đội tuyển Việt Nam dù không buông AFF Cup sau khi có vé đá vòng loại thứ ba World Cup như Thái Lan, song thất bại ở sân chơi này năm 2021 và 2022 cũng ảnh hưởng đến kế hoạch vươn tầm của bóng đá Việt Nam, dẫn tới hệ lụy đổ vỡ sau đó.
Bài học rút ra là, các đội Đông Nam Á vẫn nên tập trung cho AFF Cup, trước khi nghĩ đến mục tiêu lớn hơn.
Với đội tuyển còn chưa từng vô địch AFF Cup như Indonesia, việc bỏ qua giải Đông Nam Á để nghĩ đến... World Cup có thể là sai lầm.
Thất bại nối tiếp ở vòng loại World Cup và AFF Cup có thể đẩy đội tuyển quốc gia vào khủng hoảng. Thái Lan hay Việt Nam từng bước qua, và giờ đội tuyển Indonesia cần tránh lặp lại sai lầm của kình địch.
Bình luận (0)