Cứ 'nhắm' vào xăng để tăng nguồn thu

24/02/2018 06:52 GMT+7

Nếu được thông qua, kể từ ngày 1.7 tới, mỗi lít xăng sẽ được tính thêm 1.000 đồng thuế môi trường.

Trong một dự thảo vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đồng loạt đối với nhiều mặt hàng như xăng, dầu, mỡ nhờn, dầu nhờn... Cụ thể, với xăng đề xuất tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng mỗi lít, mức tăng “đụng trần” của thuế môi trường với xăng hiện nay. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng được đề xuất tăng lên mức kịch khung là 2.000 đồng/lít thay vì mức 1.500 đồng và 900 đồng hiện hành.
Tăng kịch khung để bù ngân sách giảm
Lý do của tăng thuế bảo vệ môi trường theo Bộ Tài chính là để… bù cho ngân sách đang giảm. Cụ thể, do phải thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo lộ trình thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do giữa VN và các nước, nên nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm trong nhiều năm qua. Chỉ tính từ năm 2016, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN giảm đến 57%, từ 13.500 tỉ đồng (2015) xuống 5.800 tỉ đồng; từ Trung Quốc giảm đến 76%, từ 3.712 tỉ đồng xuống 898 tỉ đồng. Năm 2017, số thu từ nhập khẩu xăng dầu lại tiếp tục giảm sâu, riêng thị trường ASEAN giảm đến 97% so với 2016.
Ngoài ra, theo lý giải của Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu ở VN hiện thấp hơn một số quốc gia có chung đường biên giới với VN hay một số quốc gia trong khối ASEAN như Lào, Campuchia... Tham khảo trang Global Petrol Prices ngày 19.2 cho thấy, mỗi lít xăng tại VN có giá 0,91 USD thấp hơn mức giá 1,2 USD ở Lào, Campuchia là 1,03 USD, Trung Quốc 1,16 USD và Philippines 0,97 USD. Tuy nhiên, giá xăng VN cao hơn nhiều so với Malaysia chỉ 0,57 USD, Indonesia 0,64 USD… Đó là chưa tính quốc gia phát triển như Mỹ giá xăng chỉ 0,75 USD/lít.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến nâng khung thuế bảo vệ môi trường tối đa từ 4.000 đồng/lít như quy định hiện hành lên gấp đôi là 8.000 đồng/lít nhưng không nhận được sự đồng tình của dư luận và đặc biệt từ các chuyên gia kinh tế.
Cần tái cơ cấu thu - chi
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án điều chỉnh trên, số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đạt khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684 tỉ đồng/năm. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tư duy đánh vào thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu để tăng thu ngân sách là chọn việc nhẹ để làm, thay vì suy nghĩ tính toán tái cơ cấu lại thu - chi. “Chủ trương của Đảng là tái cơ cấu thu - chi ngân sách, chứ không phải tăng thu để bù ngân sách giảm như cách làm của Bộ Tài chính. Bởi trong tái cơ cấu, không chỉ có tăng thu mà giảm chi nhiều khoản khác nữa. Xăng dầu là mặt hàng quan trọng của nền kinh tế, liên quan đến sản xuất tiêu dùng và cả an ninh quốc phòng. Xăng cũng là một trong những mặt hàng đang gánh nhiều loại thuế phí nhất so với nhiều mặt hàng khác. Thế nên, trong quá trình tái cơ cấu bằng cách mở rộng nguồn thu, chống thất thu, giảm bội chi… không nên cứ nhắm vào mỗi xăng dầu”, ông Long nói.
Nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp báo đầu năm nay lưu ý CPI tháng 1 tăng 0,51% là cao so cùng kỳ, yêu cầu mức tăng CPI dưới 4% trong năm nay, ông Long nhấn mạnh: “Chính Thủ tướng đã lưu ý giá cả và các loại phí chưa tăng trong năm nay, việc đề xuất tăng thuế môi trường lúc này là đi ngược tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Quan trọng là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu, tăng thuế nhắm vào xăng dầu là việc không nên làm lúc này”.
Liên quan đến so sánh của Bộ Tài chính về giá xăng VN còn thấp hơn một số quốc gia cùng chung đường biên giới, theo chuyên gia, đó là so sánh phiến diện. Thu nhập trung bình của người Mỹ cao gấp mấy lần người Việt, trong khi giá xăng tại Mỹ đang rẻ hơn xăng VN 4.000 đồng/lít. Hay trong khu vực, tại sao không so với Malaysia giá xăng thấp hơn giá xăng VN đến 7.500 đồng/lít?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.