Thực trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế ra trường khó tìm được việc làm khiến học sinh ngần ngại đăng ký dự thi vào nhóm ngành này. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các trường thay đổi cách đào tạo để theo kịp nhu cầu của xã hội.
Chất lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu cũng là yếu tố khiến những sinh viên khối ngành kinh tế khó xin được việc làm - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Dư thừa nhân lực
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước trong quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành giai đoạn 2011 - 2020 công bố tháng 2.2012, quy mô đào tạo trình độ ĐH, CĐ ngành tài chính - ngân hàng trong thời gian qua tăng khá nhanh. Chỉ tính từ năm 2007 - 2010, số cơ sở đào tạo tăng 3,58 lần; quy mô đào tạo tăng 6,34 lần.
Việc tăng trưởng đột biến trong thời gian ngắn như vậy tất yếu dẫn đến khủng hoảng trong việc đào tạo nhân lực. Từ sau năm 2010 đến nay, liên tục có những con số báo động về tình trạng thất nghiệp của sinh viên (SV) học ngành này.
Kết quả khảo sát của Viện Nhân lực ngân hàng - tài chính cho thấy trong hai năm 2012 và 2013 có 30.000 - 32.000 SV ngành tài chính - ngân hàng ra trường, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó được nhận vào làm việc trong các ngân hàng.
Ngành kế toán cũng vướng vào thực trạng thừa nhân lực nên SV ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của VietnamWorks cho thấy thị trường nhân lực VN tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn cung nhân lực ngành kế toán tăng 69% so với cùng kỳ. Tỷ lệ cạnh tranh trong ngành này vô cùng khắc nghiệt, trung bình cứ một hồ sơ nộp vào vị trí ngành kế toán sẽ phải cạnh tranh với 98 hồ sơ khác.
Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu
Ngoài việc ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, chính sách tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, chất lượng SV ra trường chưa đáp ứng yêu cầu cũng là yếu tố khiến SV khó kiếm được việc làm.
|
Nghiên cứu do Trường ĐH Tài chính - Marketing thực hiện tháng 5.2012 cho thấy khoảng 70% nhân viên ngân hàng đáp ứng được yêu cầu công việc; riêng tại các đơn vị mới (chi nhánh, phòng giao dịch), ở tỉnh thì nhân viên chỉ đáp ứng được khoảng 50% yêu cầu. Đa số SV sau khi tốt nghiệp đi làm tại các ngân hàng đều thiếu cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc với mọi người, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức.
Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành ngân hàng giai đoạn 2011 - 2020 của Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận chất lượng và hiệu quả đào tạo các trường còn thấp so với yêu cầu của ngành và so với kết quả đào tạo cùng trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực.
Chỉ tuyển dụng nhân sự chất lượng
Dù thừa nhân lực, nhiều đại diện ngân hàng vẫn cho biết thiếu nhân lực trình độ cao. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực nên các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện. Theo khảo sát của các ngân hàng VN, hiện nay có 3 vị trí rất khó tuyển dụng là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư. Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống đều thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thừa nhận: “Có không ít SV tốt nghiệp lĩnh vực kinh tế thất nghiệp. Chẳng hạn ở các ngân hàng, có nơi sa thải 700 - 800 nhân viên trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh việc sa thải, họ vẫn có nhu cầu tuyển dụng người mới nhưng là lao động có chất lượng”.
Cùng nhận định này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng mặc dù trong giai đoạn 2015 - 2020, tình hình kinh tế đi vào ổn định và có nhiều khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng khối ngành kinh tế sẽ dần tăng nhưng doanh nghiệp chỉ cần người giỏi, trình độ cao. “SV tốt nghiệp các ngành như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán… ở mức độ trung bình khá thì rất khó xin việc. Bởi vì hằng năm số lượng người học ngành này vẫn còn rất lớn, vượt quá so với nhu cầu, nên doanh nghiệp sẽ chỉ lựa chọn người xuất sắc”, ông Tuấn nói.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, nhận định: “Hiện nay, mục tiêu của rất nhiều ngân hàng đặt ra là tăng trưởng bền vững và dư nợ ổn định. Chính vì vậy, các ngân hàng chỉ chú trọng tuyển dụng nhân sự có chất lượng cao chứ không phải SV mới tốt nghiệp ĐH”.
Giám đốc nhân sự một ngân hàng tại TP.HCM cho biết, trong năm 2015 và một số năm tiếp theo sẽ không có sự đột biến lớn nào về việc tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp các ngành tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán… “Nếu có cũng chỉ tuyển dụng những người có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên trong ngành. Chúng tôi tập trung vào chất lượng lao động, đặc biệt cần những người có khả năng quản lý giỏi”, vị giám đốc này cho hay.
Bình luận (0)