|
Năm 2004, Nguyễn Bá Cừ tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật quản trị mạng tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM. Với kết quả học lực xếp loại giỏi nên Cừ được nhà trường giữ lại công tác tại trường với mức thu nhập ổn định. Sau hơn 3 năm làm việc, Cừ xin nghỉ việc để ra ngoài làm tự do, với nhiều nghề khác nhau, từ kinh doanh hải sản đến môi giới chứng khoán…Tuy vậy, thu nhập và cuộc sống của anh vẫn rất bấp bênh.
Tháng 6.2011, khi đang loay hoay tìm hướng đi mới, Cừ chợt nảy ra ý tưởng nuôi…rắn. Trong một lần về quê ở Bình Phước, Cừ thấy người hàng xóm bắt được một con rắn ráo trâu rất to nên đã hỏi mua lại, dự định sẽ mang về TP.HCM….làm mồi đãi bạn nhậu. Nhìn con rắn hiền lành, hơn nữa lại bán với giá cao nên Cừ chợt đổi ý, không giết thịt con rắn mà đem về nuôi. Hàng ngày, Cừ lên mạng internet tìm kinh nghiệm từ những người nuôi trước và đến các điểm bán rắn ráo trâu giống để mua thêm 10 con rắn giống. Lứa rắn đầu tiên lớn lên rồi sinh sản, Cừ để lại nhân giống…Khi rắn còn ít, hàng ngày Cừ đi bắt ếch nhái về làm thức ăn cho rắn. Khi số lượng rắn sinh sản ngày càng nhiều thì anh mua đầu, cổ gà ở chợ về chặt thành những miếng nhỏ cho rắn ăn. Tính ra, với 1 con rắn trọng lượng khoảng 1,2kg mỗi ngày chỉ ăn khoảng 0,02kg thức ăn và 100 con chỉ ăn hết có 2kg thức ăn.
Thu nhập ổn định
Sau khoảng 1 năm nuôi rắn để nhân giống, từ 10 con rắn ban đầu, Cừ đã có hàng trăm con rắn ráo trâu lớn nhỏ và từ đây anh cũng bắt đầu có thu nhập từ nghề nuôi rắn. Cừ cho hay, đầu năm 2014 anh bán được hơn 300 con rắn giống với giá 150.000 đồng/con và 70 kg rắn thịt với giá 500.000 đồng/kg, qua đó thu về khoảng 80 triệu đồng. Cũng theo Cừ, rắn là loài vật được thương lái thu mua mạnh, giá rất ổn định và thức ăn cho chúng cũng rẻ, do vậy nuôi rắn ráo trâu đang đem lại lợi nhuân cao cho nông dân. Hiện tại, Cừ có hơn 100 con rắn giống, trong đó 70 con cái đang ấp trứng và 100 con rắn thịt trọng lượng khoảng 1,2kg/con chuẩn bị xuất bán. Với số lượng rắn như trên, mỗi năm anh thu về khoảng 200-300 triệu đồng lợi nhuận.
Không chỉ có rắn thịt được thị trường ưa chuộng mà trứng rắn cũng được thương lái thu mua mạnh để xuất khẩu. Mỗi trứng rắn được thương lái mua đem đi xuất khẩu với giá 160.000 đồng. Theo Cừ, mỗi năm, một con rắn cái đẻ 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa với số lượng trứng từ 20-30 quả. Như vậy, với 70 con rắn cái, Cừ thu được khoảng 2.000 trứng rắn mỗi năm. Chỉ tính riêng số trứng đó, nếu để ấp rồi bán con giống hoặc bán trứng thì cũng thu về hơn 150 triệu đồng.
Theo Cừ, rắn ráo trâu là động vật hoang dã nên sức đề kháng rất tốt, ít bệnh và mau lớn. Nếu chăm sóc đúng theo hướng dẫn thì chỉ sau 6 tháng là rắn trưởng thành và khoảng 1 năm tuổi, rắn sẽ tự bắt cặp (phối giống) và bắt đầu đẻ, mỗi lứa khoảng 10 trứng, nhiều nhất là 20 trứng. “Nếu muốn nuôi đạt hiệu quả thì khi xây chuồng trại cho rắn cũng phải mát mẻ, độ ẩm trong chuồng không quá khô cũng không quá ẩm để tạo môi trường tương tự trong thiên nhiên hoang dã để rắn mau lớn và không bị bệnh”, anh Cừ cho hay.
Từng là cử nhân chuyên ngành kỹ thuật quản trị mạng suốt ngày chỉ làm việc với máy vi tính và mạng internet nhưng giờ đây Nguyễn Bá Cừ đã trở thành một nông dân thực sự và đang thành công với nghề nuôi rắn ráo trâu.
Bài, ảnh: Thống Nhất
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nuôi rắn độc trong nhà
>> Khá lên nhờ nuôi rắn mối
>> Khấm khá nhờ nuôi rắn ri voi
>> Thu nhập cao nhờ nghề nuôi rắn
>> Nuôi rắn độc
Bình luận (0)