Cứ nộp 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ là thoát án tử hình?

05/09/2019 10:15 GMT+7

Với quy định và chính sách pháp luật mới, nếu người phạm tội nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ, tham ô thì có thể thoát án tử.

Kết luận điều tra vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Tổng Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG), từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an (gọi tắt CQĐT) đã đề nghị truy tố 14 bị can về các tội danh vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Nhận hối lộ bao nhiêu tiền sẽ phải lãnh án tử hình?

Hai cựu bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son Trương Minh Tuấn cùng có hành vi nhận hối lộ của bị can Phạm Nhật Vũ. Trong đó, ông Son đã nhận 3 triệu USD (tương đương khoảng 70 tỉ đồng), ông Tuấn nhận 200.000 USD (theo kết luận của Cơ quan điều tra). Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên thì các bị can, bị cáo phải đối mặt với mức án 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Vụ việc nhận, đưa hối lộ với số tiền "khủng" rất được bạn đọc quan tâm. Có ý kiến cho rằng, nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô là có thể thoát án tử hình. Về việc này, một số chuyên gia đã có những ý kiến trao đổi với PV Thanh Niên. 

Không phải cứ nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô là thoát án tử

Theo ông Nguyễn Sơn (nguyên Phó Chánh án TAND tối cao), khoản c Điều 40 BLHS 2015 về hình phạt tử hình quy định: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ; khi đó, Chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân.
Theo ông Sơn, luật đã quy định rất rõ, người có thẩm quyền chuyển hình phạt tử hình sang phạt tù chung thân đối với “quan tham” là Chánh án TAND tối cao. Cho nên, quá trình xét xử, thi hành án, các cơ quan có thẩm quyền có quyền kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét nếu xét thấy người phạm tội đã khắc phục ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ, tham ô.
Phân tích kỹ hơn, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh không phải người phạm tội nào nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ là được áp dụng quy định chuyển hình phạt, mà cần phải hội đủ các điều kiện “cần” và “đủ” gồm: chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
“Để cụ thể quy định này, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP. Trong đó, khoản 1 điều 2 nghị quyết nêu, kể từ ngày 9.12.2015, người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, gồm: Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn”, luật sư Hùng dẫn giải quy định pháp luật và cho biết thêm nghị quyết này cũng hướng dẫn rất rõ như thế nào là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”, là “lập công lớn”, nên rất dễ để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, áp dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.