Đến nhà gặp cụ Cang, nhìn mái tóc bạc phơ, gương mặt tươi cười, hồn hậu, không ai nghĩ rằng cụ sắp sang tuổi 100. Càng ngạc nhiên và khâm phục hơn khi ở tuổi này cụ vẫn khỏe mạnh, cống hiến hết mình cho xã hội; đặc biệt là vẫn chơi thể thao, tham gia nhiều hoạt động từ thiện…
Giúp người bớt khổ, mình cũng vui lây
Cụ Lục Tấn Phát, bạn thân cụ Cang, cho biết cụ Cang sinh năm 1922, còn vài tháng nữa bước sang tuổi 100, nhưng trí óc vẫn minh mẫn, tinh thần tháo vát. Đặc biệt, cụ vẫn thường lấy chiếc xe máy cũ kỹ chở cụ Phát đi xác minh những hoàn cảnh khó khăn hoặc đi tặng quà cho bà con nghèo. Công việc tuy nặng nề và vất vả nhưng cụ Cang lúc nào cũng tươi cười hoan hỉ.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ hãnh diện cho biết: “Tôi có 10 người con, tất cả đều thành đạt. Các con tôi đứa nào cũng sống tử tế, tốt bụng, noi gương cha, hết lòng ủng hộ việc làm của tôi. Khi nào quỹ từ thiện cạn thì tụi nó tiếp sức. Hơn nữa, tôi có nghề làm bánh pía gia truyền, cuộc sống khá ổn định nên sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Giúp người bớt khổ, mình cũng vui lây”.
Trong xóm, mỗi lần có người nghèo khổ qua đời, cụ bỏ tiền mua quan tài. Ai có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hoạn hoặc bị tai nạn cụ đều ra tay giúp đỡ. Tiếng lành đồn xa, bà con hàng xóm, bạn bè xa gần, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đều hưởng ứng tích cực. Thậm chí có người chưa gặp mặt cụ lần nào nhưng qua trao đổi bằng điện thoại, họ cũng sẵn lòng đóng góp. Tấm lòng thiện tâm, thiện nguyện đó ngày càng lan tỏa, làm xúc động nhiều người, chạm đến trái tim các nhà hảo tâm. Từ đó, số người ủng hộ tiền và quà ngày càng đông... Theo sổ sách của cụ ghi chép, chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, cụ đã tiếp nhận trên 17 tỉ đồng tiền mặt và nhiều quà vật chất trị giá hàng tỉ đồng.
Điều đáng trân quý ở cụ Cang là việc thu chi tài chính rất cẩn trọng. Sổ sách ghi chép kỹ lưỡng, khoa học, chính xác, đúng người, đúng việc. Mỗi lần nghe tin hay phát hiện có người hoạn nạn hoặc gặp căn bệnh hiểm nghèo, bản thân cụ và những người có trách nhiệm tự đi xác minh trước khi hỗ trợ nên ai cũng tin tưởng, sẵn sàng giao tiền cho cụ.
Tuy tuổi cao, cụ Cang vẫn chạy xe gắn máy và chơi đá banh, đặc biệt sử dụng internet và smartphone một cách thành thạo. Cụ cười nói: “Thời buổi bây giờ, tụi trẻ đứa nào cũng sử dụng email, Zalo, Facebook... Tôi tuy già nhưng vẫn còn “quẹt quẹt” điện thoại ngon lành không thua gì bọn trẻ. Nhờ cái điện thoại mà tôi mới nắm bắt được những thông tin nhanh chóng, nhất là tai nạn giao thông và những trường hợp cần cấp cứu”.
|
Cánh chim không mỏi
Phương châm hoạt động từ thiện của cụ Cang là “thấy ai đói rách thì thương”. Vì vậy, biết được người nào cần giúp đỡ thì cụ luôn hết lòng. Khi thì hỗ trợ viện phí cho trẻ em mổ tim; khi thì cấp học bổng, quần áo, tập vở cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học; lúc thì bắc cầu giao thông nông thôn, xây cất nhà tình thương...
Theo cụ Cang, hơn 20 năm qua và trước đó nữa, cụ đã giúp đỡ cho hơn 4.000 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn như cô đơn, bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn giao thông... Cụ thể như giúp cho 500 người cao tuổi mổ mắt; 40 người đi trị bệnh ung bướu; tổ chức đưa hơn 80 trẻ em khuyết tật bị nhiều bệnh bẩm sinh chữa trị tại trung tâm phục hồi chức năng ở TP.HCM.
Cụ Cang từng là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Tâm, thường xuyên tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho người cao tuổi. Năm 2016, cụ nhận nuôi 100 cụ già neo đơn, cung cấp gạo
10 kg/người/tháng. Ai yếu đuối, ốm đau không đi được, cụ sẵn sàng mang gạo tới nhà. Ngoài ra, cụ còn phát gạo cho những gia đình nghèo túng thiếu. Hằng năm, cụ hỗ trợ gạo, thức ăn cho những bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, lễ Vu lan và lễ tết của đồng bào Khmer.
|
“Thực tế, công việc còn nhiều hơn thế nữa, nhưng tôi không thể nhớ hết những gì mình đã giúp bà con nghèo khó. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng tôi nguyện với lòng sẽ tiếp tục giúp đời cho đến khi nào sức tàn, lực tận”, cụ Cang chia sẻ.
Em Thạch Thị Thanh Hương (12 tuổi, ngụ H.Kế Sách, Sóc Trăng) kể: “Con bị bệnh ung thư máu. Nhà quá nghèo, không tiền chạy chữa, con chỉ còn nằm chờ chết. May nhờ cụ Cang kịp thời hỗ trợ trên 100 triệu đồng để gia đình chuyển lên TP.HCM điều trị. Nay con được cứu sống và đi học trở lại. Con và gia đình suốt đời ghi ơn cụ Cang”.
Cụ Cang cũng được dự hội nghị điển hình nhiều lần tại thủ đô Hà Nội. Cụ còn được Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Hội Khuyến học tặng nhiều bằng khen, nhiều kỷ niệm chương... Đó chính là nguồn động viên khích lệ cho cụ tiếp tục thực hiện đạo lý “thương người như thể thương thân”.
Bằng trái tim nhân hậu, cuộc đời của cụ Cang giống như một “cánh chim không mỏi”, suốt đời cống hiến, tỏa sáng giữa đời thường. Cụ đúng là một “già xanh” như cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã từng viết. Có lẽ cụ sống trường thọ là nhờ cái tâm trong sáng, lòng từ ái, nhờ lao động, giải trí kết hợp với nghỉ ngơi.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồngCâu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: [email protected], Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ:
Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
|
|
Bình luận (0)