Những ngày cuối tháng chạp, không khí tết đã rộn ràng khắp mọi con đường, ngõ phố. Nhà nhà, người người đi sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa…đón tết. Thế nhưng, trong căn nhà nhỏ số 18 Ngõ Huyện (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khí ảm đạm, lạnh lẽo lại bao trùm.
Cụ Cường vừa nhận thiếp mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng |
NVCC |
Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là thứ con người ai cũng phải trải qua, thế nhưng, sự ra đi của cụ Trịnh Văn Cường (100 tuổi) ngay trước dịp tết cổ truyền của dân tộc để lại tiếc nuối khôn nguôi cho con cháu. Báo Thanh Niên cũng mất đi một bạn đọc trung thành suốt nhiều thập kỷ.
Chọn Báo Thanh Niên làm người bạn tri kỉ
Đang xếp những tờ báo cuối cùng mà cụ để lại, bà Trịnh Kim Anh (72 tuổi, con gái cụ Cường) không kìm được xúc động. Bà cho biết, cụ Cường sinh ra tại làng Cự Đà (xã Cự Khê, H.Thanh Oai, Hà Nội). Cuộc đời của cụ gắn liền với thời điểm Việt Nam đang kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sống trong thời chiến, cụ Cường đều có những đóng góp trong sản xuất, góp công vào chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Là nhân viên ngành đường sắt, cụ luôn có mặt ở những nơi ác liệt để góp phần bảo đảm vật tư thiết bị cho tàu chạy phục vụ chiến đấu.
Cụ Cường thường xuyên đọc Báo Thanh Niên khi về già |
NVCC |
Sau khi về hưu, cụ Cường vẫn giữ thói quen làm việc như xưa. Đặc biệt, cụ có đam mê đọc báo. "Cách đây vài chục năm, sáng nào bố tôi cũng dậy lúc 3 giờ sáng để tập thể dục. Trên đường đi tập về, bố đến sạp báo trước cửa Báo Nhân Dân đọc nhờ và mua về 2 tờ báo làThanh Niên và Tuổi Trẻ",bà Kim Anh nhớ lại.
Thói quen này được cụ Cường giữ trong thời gian dài. Cách đây khoảng 3 năm, khi sức khỏe yếu, chân không đi được, cụ Cường chọn duy nhất tờ Báo Thanh Niên làm người bạn tri kỉ.
Cụ Cường luôn gối Báo Thanh Niên hàng ngày bên đầu giường để tiện cho việc đọc |
NVCC |
"Bố tôi biết mọi điều, nắm thông tin từ thế giới, trong nước, tình hình dịch bệnh, tham nhũng... đều qua Báo Thanh Niên. Có thể trong quá trình đọc báo nhiều năm, tờ báo này đã để lại nhiều ấn tượng cho bố. Vậy nên, cả đến khi nằm trên giường bệnh, bố vẫn đeo kính lúp, giữ nhiều số báo, cứ ngủ dậy là bật đèn đọc báo", bà Kim Anh kể.
Cắt báo hoặc viết lại để lưu trữ
Không chỉ đọc báo, cụ Cường còn trao đổi với con, cháu về những câu chuyện, thông tin thời sự trên báo. Đặc biệt, những thông tin mà cụ thích, cần lưu ý, cụ sẽ cắt hoặc viết lại ra một tờ giấy khác để lưu trữ.
Một phần nội dung mà cụ Cường ghi lại khi theo dõi Báo Thanh Niên |
NVCC |
"Tôi vẫn nhớ mỗi khi có sự việc nóng, liên quan đến chính trị, bố hay hỏi: "Các con biết chuyện ấy chưa"? Chúng tôi cũng mải làm việc, chưa kịp cập nhật nên chỉ trả lời "để con đọc", thì bố đưa ngay cho tờ Báo Thanh Niên và nói "con đọc đi"", bà Kim Anh nói.
Mặc dù đã đặt Báo Thanh Niên cả năm nhưng sáng nào cụ Cường cũng nhắc các con đi lấy báo. Sau khi cầm tờ báo, cụ sẽ dùng bút, ghi ngày lên măng-sét tờ báo để đánh dấu. Nếu phát hiện tờ báo cũ, cụ lập tức phản hồi và gọi con, cháu đi tìm tờ báo mới nhất.
Những số báo phải ghi ngày lên măng-sét để cụ Cường nhận ra |
Đình Huy |
"Cuối tháng 12.2022, bố tôi ốm nặng, mắt kém. Như thường lệ, người phát hành vẫn mang báo đến nhà nhưng bố tôi không thể đọc được nữa. Cụ vẫn hỏi: "Lấy báo cho bố chưa?" Chúng tôi vẫn phải viết ngày của số báo mới bằng chữ rất to để bố yên tâm", bà Kim Anh nói tiếp.
Khi kể về những kỷ niệm lúc cụ Cường còn sống, bà Kim Anh nghẹn lại, bà vẫn nhớ như in hình bóng của người bố già được các con đẩy xe lăn ra hồ Hoàn Kiếm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc báo. Khoảnh khắc này được một nhiếp ảnh gia chụp và đăng lên Facebook, sau đó gia đình mất nhiều thời gian để xin lại.
Hay có lần cụ Cường đọc được thông tin trên báo sai về con cóc đá ở Cự Đà, sau đó cụ đã gửi ý kiến góp ý sang Báo Hà Nội Mới và được nhuận bút, từ đấy cụ cứ khoe mãi với con cháu.
Khoảnh khắc cụ Cường được một nhiếp ảnh gia ghi lại khi ngồi xe lăn đi dạo bên bờ hồ Hoàn Kiếm |
NVCC |
"Khi chúng tôi sắp xếp lại đồ đạc và thu dọn những tờ báo cuối cùng trên giường bệnh thì phát hiện bài viết về những toa xe lửa Đà Lạt, bố đã viết xong nhưng chưa kịp gửi", bà Kim Anh xúc động.
Bình luận (0)