Cụ ông 80 tuổi tận dụng rác thải nhựa mưu sinh và bảo vệ môi trường

14/04/2022 14:02 GMT+7

Ở tuổi 80, cụ ông Nguyễn Bá Tụng (trú tại thôn Văn Xá, xã Phú Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình ) vẫn tìm thấy niềm vui cho mình từ công việc thu gom dây nhựa, những vật dụng thải ra từ nhựa rồi dùng nó đan lát thành rổ, rá… để bán cho bà con khắp làng.

“Hô biến” dây nhựa

Đến thôn Văn Xá hỏi nhà ông Tụng, hầu như ai cũng biết. Bởi ông là người duy nhất ở thôn làng nhỏ này biết làm ra các sản phẩm rổ, rá… từ rác thải nhựa và được bà con khắp xóm tin dùng. Vừa loay hoay đan lát, ông vừa chia sẻ câu chuyện mỗi ngày đi khắp làng trên thôn dưới để xem có nhà nào đang xây, hay ghé các đại lý vật liệu xây dựng, để xin dây nhựa. “Chúng là tư liệu sản xuất của tôi đấy”, ông Tụng nói.

Mỗi ngày ông Tụng dành ra 4 - 5 giờ để đan lát, làm ra các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa

Bá Cường

Năm 2019, trong một lần ghé thăm làng Xuân Bồ (H.Lệ Thủy), nơi có nghề truyền thống đan lát mây tre, quan sát một hồi ông cảm thấy mình có thể “theo nghề” được, liền về nhà tìm nguyên liệu làm thử. Nhưng ông không làm mây tre mà thử sức với nguyên liệu mới: dây nhựa. Điều đặc biệt nguyên liệu mà ông kiếm tìm là chính những sợi dây nhựa thường bị người ta vứt đi sau khi bóc trần tấm gạch, tấm ngói.

Dây nhựa dùng để buộc gạch men, ngói… chính là nguồn nguyên liệu để ông Tụng “hô biến” rác thải thành sản phẩm thân thuộc trong cuộc sống

Trò chuyện mới hay, trước đây ông Tụng từng là chiến sĩ vào chiến đấu tại trận Thành cổ Quảng Trị, sau này xuất ngũ ông ở nhà phụ vợ công việc ruộng nương vườn tược, thỉnh thoảng cũng mua vật liệu về đan chổi nhựa rồi đem bán kiếm tiền. “Lần đầu làm thử khá khó khăn, vì dây nhựa đan vào dễ tuột chứ không được như tre, mây. Sản phẩm đầu tiên, tôi đan mất 10 ngày. Con gái trong nhà về thấy đẹp lấy dùng, rồi không biết quảng cáo thế nào mà bạn bè nó ai cũng bảo tôi đan thêm vài cái để bán cho chúng”, ông Tụng nhớ lại.

Vừa kiếm sống, vừa bảo vệ môi trường

Sau 2 năm làm nghề đan lát dây nhựa, đến nay tay nghề ông Tụng thuần thục hơn. Tuy nhiên, tuổi cao cùng với công việc đòi hỏi sự khéo léo nên ông tốn nhiều thời gian. Ông chỉ có thể làm 7 - 8 sản phẩm mỗi tháng, vì mỗi sản phẩm mất đến 2 - 3 ngày mới hoàn thiện. Cũng theo ông Tụng, những chiếc rổ, rá, thúng… đan từ dây nhựa mang lại rất nhiều công dụng. Những sợi dây nhựa vốn đã không thân thiện với môi trường, kể cả vứt đi hay đem đốt cũng rất độc hại, nhưng khi vào tay cụ ông 80 tuổi lại trở thành những sản phẩm có ích và bền bỉ. Đáng ra đây là rác thải nhựa sẽ bỏ đi, ảnh hưởng môi trường nhưng ông đã biến chúng thành những sản phẩm hữu ích dùng tạm trong cuộc sống hằng ngày để rác thải nhựa không xả tràn lan ra môi trường.

Ông Tụng vẫn chăm chỉ đạp xe đi khắp xóm làng thu gom rác thải nhựa bỏ đi

Trước đây, khi mới “vào nghề”, ông phải thường xuyên đi tìm, thu gom nguyên liệu. Sau khi các sản phẩm được nhiều người biết đến, các đại lý vật liệu xây dựng, các gia đình đang xây dựng nhà cửa trên địa bàn đều chủ động giữ lại phần dây nhựa bỏ đi rồi gọi ông Tụng đến lấy. Họ vừa giúp ông Tụng có nguyên liệu, vừa phần nào đó tự “tiêu hao” được nguồn rác thải nhựa độc hại với môi trường.

Tuổi đã già lại một mình với công việc, sức khỏe không cho phép ông Tụng làm ngày làm đêm để kiếm tiền. Chỉ là công việc để ông giết thời gian, mua vui ở tuổi già. Dù sao với giá bán khá rẻ chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng cho một sản phẩm tùy loại, thu nhập mỗi tháng từ những rổ, rá (cộng với khoản lương thương binh) cũng đủ cho vợ chồng ông Tụng trang trải chi tiêu. Sản phẩm không nhiều, nhưng ông vẫn tự hào khoe: “Đồng Hới, Bố Trạch… ở đâu cũng có rổ rá tôi đan, đến ngay cả H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế) cũng tìm hiểu ở đâu đó rồi đến đặt tôi làm 10 - 15 sản phẩm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.