Cụ ông 85 tuổi tắc ruột do nuốt trái chà là

13/03/2023 20:21 GMT+7

Cụ ông 85 tuổi bỗng dưng thấy khó tiêu, đau khắp bụng, nôn ói tăng dần, mạch nhanh, nhập viện cấp cứu mới biết bị tắc ruột do nuốt trái chà là.

Chiều 13.3, tin từ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa phẫu thuật lấy dị vật thành công cho một cụ ông bị tắc ruột do nuốt trái chà là.

Cần Thơ: Cụ ông 85 tuổi tắc ruột hoàn toàn do nuốt trái chà là - Ảnh 1.

Dị vật là 2 trái chà là khiến bệnh nhân tắc ruột hoàn toàn

ĐÌNH TUYỂN

Bệnh nhân là cụ H.V.H (85 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long), được chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau khắp bụng, nôn ra dịch xanh đen, mạch nhanh. Bệnh nhân được chẩn đoán tắc ruột chưa rõ nguyên nhân.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân từng ăn trái chà là nhiều lần nhưng không nhớ rõ có nuốt trái chà là nguyên vỏ hay không. Khoảng hơn nửa tháng nay, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó tiêu, đau bụng, nôn ói tăng dần từ chiều đến tối. Đặc biệt, trước ngày nhập viện, tình trạng tăng nặng khi bệnh nhân đau khắp bụng, nôn ói ra dịch màu đen. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Cần Thơ: Cụ ông 85 tuổi tắc ruột hoàn toàn do nuốt trái chà là - Ảnh 2.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân H.V.H cải thiện, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, đã uống được sữa, súp, tiêu hóa tốt

ĐÌNH TUYỂN

Sau hội chẩn, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp BVĐK Trung ương Cần Thơ chỉ định phẫu thuật thám sát, xử trí tổn thương cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, ê kíp ghi nhận lòng hỗng tràng của bệnh nhân có 2 dị vật gây tắc ruột hoàn toàn. Ngay sau đó, 2 dị vật được lấy ra và được xác định trái chà là, kích thước 4 x 2 cm. Sau đó, bệnh nhân được xử lý khâu lại ruột, dẫn lưu theo dõi.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, đã uống được sữa, súp, tiêu hóa tốt.

Theo BS.CK2 Bùi Phi Hùng, khoa Ngoại tổng hợp BVĐK Trung ương Cần Thơ, dị vật đường tiêu hóa khá phổ biến, chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ em. Có khoảng 20% dị vật sẽ mắc lại ống tiêu hóa trên (từ hầu họng thực quản, dạ dày, cơ treo tá tràng) có thể xử trí bằng việc gắp qua nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng. Các trường hợp còn lại hầu hết các dị vật tự thoát và đào thải an toàn khỏi ruột.

Tuy nhiên, có khoảng 1% trong số các trường hợp dị vật dù đã di chuyển qua được môn vị dạ dày vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: thủng ruột (do các dị vật sắc nhọn), tắc ruột (dị vật có kích thước lớn), khối áp xe trong ổ bụng (dị vật xuyên qua thành ruột và di chuyển vào trong khoang phúc mạc), thậm chí tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Vì vậy, khi nuốt phải hoặc hóc dị vật, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí lấy dị vật càng sớm càng tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.