Về hưu 27 năm, nhận lương hưu 1 năm
Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Thanh Niên, cụ ông Lê Văn Duyệt cho biết, trước khi nghỉ hưu, ông đã có gần 32 năm công tác trong ngành đường sắt. Năm 1991, ông Duyệt về hưu và đã lĩnh lương hưu tại Q.Hoàn Kiếm nhưng từ tháng 8.1992, ông ngưng hưởng chế độ để sang Đức chữa bệnh. Ông Duyệt bày tỏ: “Do mất giấy tờ nên tôi đã phải ở lại và nhập cảnh về VN hợp pháp ngày 15.8.2017. Khi về VN, tôi nộp đơn ngay lên cơ quan BHXH Hà Nội đề nghị hưởng tiếp chế độ hưu bị ngưng từ tháng 8.1992. Cơ quan BHXH đã nhận và chuyển đơn cùng hồ sơ sang Sở LĐ-TB-XH để xin ý kiến giải quyết. Cho đến nay đã hơn 20 tháng, tôi già cả bệnh tật không biết mình có chờ đợi được đến ngày nhận lương hưu hay không”.
Điều khiến ông Lê Văn Duyệt bức xúc là quá trình xét duyệt hồ sơ kéo dài gần 2 năm vẫn chưa đi đến hồi kết. Ông Duyệt nhiều lần gửi đơn, thư tới Sở LĐ-TB-XH Hà Nội nhưng mãi đến tháng 6.2019, Sở mới thông báo xác minh xong hồ sơ và lại yêu cầu bổ sung giấy xác nhận trong thời gian sống ở nước ngoài không bị tù giam, không phạm tội mới được hưởng lương hưu từ khi nhập cảnh (15.8.2017) mà không nêu ra lý do cắt bỏ lương hưu từ tháng 8.1992 - 15.8.2017 của ông. “Đây là khó khăn rất lớn đối với tôi. Sở LĐ-TB-XH yêu cầu giấy tờ xác nhận do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận theo luật của nước Đức, mà chi phí sang bên ấy xác nhận giấy tờ, tôi không có, hơn nữa tôi đã quá già, làm sao đi nổi”.
Vẫn đang chờ…giải quyết
Trao đổi với Thanh Niên ngày 29.8, ông Nguyễn Bá Lực, Trưởng phòng Lao động tiền lương và BHXH (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội), xác nhận Sở đã nhận đơn của ông Duyệt từ năm 2017 và đang tiếp tục giải quyết. Ông Lực thông tin: “Trường hợp này không đơn giản bởi chưa có tiền lệ. Ông Duyệt đi nước ngoài từ năm 1992 đến nay, chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, đối chiếu các văn bản hiện nay rất vướng, không có gì để điều chỉnh. Sau khi tham vấn các cơ quan liên quan như BHXH, Công an, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở sẽ có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội và Bộ LĐ-TB-XH để xin ý kiến giải quyết”. Giải thích lý do chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, ông Lực cũng cho hay: “Là cơ quan quản lý nhà nước, nếu làm sai, mình phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi cần có thời gian xác minh và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất”. Tuy nhiên, đến chiều 9.9, PV Thanh Niên đã liên lạc với ông Lực và vẫn chưa nhận được thông tin gì mới.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết trước 1995, khi chưa có luật Lao động và luật BHXH, người lao động hưởng lương hưu mà bị tù giam hoặc kết án thì bị cắt các chế độ vĩnh viễn. Từ năm 1995 - 2015, chính sách được điều chỉnh, những người ra tù được hưởng lại chế độ BHXH và từ năm 2016, theo luật BHXH hiện nay, những người đang hưởng lương hưu bị phạt tù giam vẫn tiếp tục được hưởng lương hưu khi đang ở trong tù.
“Sự việc xảy ra ở thời điểm nào thì điều chỉnh bởi văn bản ở thời điểm đó. Do trường hợp ông Duyệt rơi vào thời điểm trước năm 1995 thì phải theo quy định của chính sách lúc bấy giờ là phải đảm bảo yếu tố không vi phạm pháp luật. Đúng là pháp luật không bắt công dân phải chứng minh mình phạm pháp, nhưng trong điều kiện xét hưởng lại, có yêu cầu đó mới giải quyết được. Người lao động phải chứng minh mình không vi phạm các quy định của pháp luật trong giai đoạn đó”, ông Nam giải thích.
Theo đại diện Vụ BHXH, để vụ việc được giải quyết “có lý, có tình”, các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để tháo gỡ, Sở LĐ-TB-XH nên xem xét việc lấy giấy xác nhận cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người cao tuổi. “Có nhiều cách để xin xác nhận, không nhất thiết phải ra nước ngoài vì quá tốn kém. Ông Duyệt có thể thông qua Đại sứ quán VN tại Đức để xin xác nhận hoặc nhờ người nhà bên Đức xác nhận để có cơ sở để cơ quan chức năng giải quyết”, ông Nam nói.
Bình luận (0)