Ban đầu, cụ ông nhập viện vì nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiểu. Tên của ông không được truyền thông Ấn Độ tiết lộ, theo Fox News.
Sau khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện ông không bị nhiễm trùng đường tiết niệu mà bị nhiễm giun chỉ bạch huyết. Bệnh còn có một tên khác là phù chân voi.
Muỗi là vật trung gian lây truyền bệnh. Ấu trùng ký sinh sẽ lây nhiễm sang muỗi khi chúng hút máu thú vật. Đến khi muỗi hút máu con người, ấu trùng sẽ bám vào da và xâm nhập vào cơ thể.
Ấu trùng tiếp tục di chuyển theo dòng máu đến các hạch bạch huyết và trưởng thành ở đó. Giun chỉ có thể gây tổn thương mô và sưng nghiêm trọng.
Trong trường hợp của cụ ông ở Ấn Độ, ký sinh trùng tấn công vào tinh hoàn phải, gây sưng và gây tích tụ một túi dịch trong bìu. Sau đó, tinh hoàn này bắt đầu bị vôi hóa, theo LiveScience.
Giun chỉ được xem là loại ký sinh trùng đặc hữu ở Ấn Độ. Nhiễm giun chỉ không phải là hiếm. Tuy nhiên, phản ứng vôi hóa lại rất ít khi xảy ra. Trong bài viết trên chuyên san BMJ Case Reports, các tác giả cho biết họ chỉ mới ghi nhận một trường hợp duy nhất từng xảy ra trước đây là vào năm 1935.
Bài viết không tiết lộ các bác sĩ đã điều trị cho cụ ông như thế nào. Thông thường, bệnh nhân bị nhiễm giun chỉ bạch huyết sẽ được uống thuốc diệt ký sinh trùng. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể phẫu thuật để loại bỏ túi dịch trong tinh hoàn, theo Fox News.
Bình luận (0)