Cụ ông nhiễm giun lươn lâu ngày nhưng không được phát hiện

25/07/2018 08:41 GMT+7

Khi mắc ba chứng sau: tiêu chảy, đau bụng, nổi mề đay vùng mông, thắt lưng thì nên nghĩ đến bị nhiễm giun lươn để đi kiểm tra, điều trị triệt để.

Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa tiếp nhận bệnh nhân N.Đ.N (63 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) trong tình trạng buồn nôn, đau bụng và ăn kém bất thường.
Gia đình bệnh nhân cho biết ông N. thường xuyên phải nhập viện vì suy thận cấp, bệnh nhân còn mang bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận mạn và bệnh mạch vành. Bệnh nhân được xếp vào cơ địa suy giảm miễn dịch, nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nặng. Nghĩ bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng nhưng bác sĩ không tìm thấy ổ vi trùng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng Khoa Hồi sức, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nhận định đây là một ca đặc biệt thuộc vào một nhóm bệnh hồi sức ít phổ biến và cần phải loại trừ bệnh nhiễm giun lươn. Các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm giun lươn (Strongyloides stercoralis).
Sau 5 ngày được điều trị bằng thuốc đặc trị, bệnh nhân đã ăn ngon hơn mỗi ngày, triệu chứng nguy kịch giảm nhanh. 
Bệnh nhân được đề xuất điều trị thêm 4 tuần để loại bỏ hoàn toàn giun lươn khỏi cơ thể và giúp tránh nguy cơ tái nhiễm giun lươn.
Theo bác sĩ, ước tính trên thế giới có khoảng 75 triệu người mắc giun lươn, bệnh phát triển mạnh ở những nơi có thời tiết nóng, ẩm, điều kiện vệ sinh kém; vùng lưu hành nhiều nhất là Đông Nam Á, Mỹ Latinh, châu Phi cận Sahara và ở Đông Nam Mỹ.
Ở Việt Nam, từ Lâm Đồng đến Cà Mau có tỷ lệ người dân nhiễm giun lươn là khá cao.  
Theo Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, người là ổ chứa chính của giun lươn Strongyloides stercoralis và ấu trùng ra ngoài theo đường phân. Giun lươn cũng có thể có ở một số động vật như chó, khỉ, vượn...
Khi người tiếp xúc với môi trường có ấu trùng giun lươn thì có khả năng bị lây nhiễm, đường lây nhiễm là da, niêm mạc. Tuy nhiên, giun lươn còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng: trong một số điều kiện nhất định, ấu trùng giun lươn dính lại quanh hậu môn phát triển thành ấu trùng có thực quản hình trụ và gây tự nhiễm lại cho bệnh nhân.
Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan trong cơ thể mà chúng di chuyển qua như: da, tiêu hóa, phổi, thực quản, hạch bạch huyết... gây ra nhiều triệu chứng như nổi mề đay, ngứa da, có khi đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ho kéo dài và nhiều biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Phòng bệnh

Vệ sinh môi trường: Quản lý tốt phân, nước, rác.

Vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi.

Áp dụng các biện pháp phòng hộ trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Những người thường hay tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng.

Khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.

Nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây tươi, luyện tập thể thao hàng ngày để bảo vệ và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tránh tình trạng suy giảm miễn dịch làm bùng phát bệnh giun lươn lan tỏa.

Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.