Tiếng khèn vang lên trong căn nhà sàn cuối đường, tiếng kim loại va vào nhau lách cách theo từng nhịp điệu, mọi thứ được những già làng tại thôn Kỳ Tang (xã Lìa, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) sử dụng nhạc cụ dân tộc của người Pa Cô cất lên hòa quyện với núi rừng. Điều đặc biệt, trong "dàn nhạc" này có những nhạc cụ có tuổi đời rất lâu, được tái chế từ phế liệu chiến tranh.
Cụ ông Pa Cô U90 tuổi biến tấu phế liệu chiến tranh thành nhạc cụ
Cầm trên tay chiếc xar (tiếng Pa Cô), một loại nhạc cụ có cách chơi như chập cheng, cụ Hồ Cu Chảnh (87 tuổi, trú tại thôn Kỳ Tang, xã Lìa) kể lại cho chúng tôi nghe về chiếc xar đã gắn bó cùng cụ hơn 50 năm qua, là ký ức, là tuổi trẻ của vị già làng.
"Lúc trẻ tôi đi bộ đội ở khu vực A Lưới (Thừa Thiên - Huế), tôi nhặt được những cái nắp của bom bi. Vì yêu âm nhạc, tôi dùng búa để tán những cái nắp này ra tạo thành một loại nhạc cụ có cách chơi như chập cheng, cùng các đồng đội hòa ca sau những giây phút mệt mỏi", cụ Chảnh nhớ lại.
Chiếc xar được cụ Chảnh tái chế từ nắp của bom bi, ở giữa được đục lỗ rồi dùng dây để buộc chúng lại với nhau. Theo cụ Chảnh, thông thường chập cheng được làm bằng đồng, nhưng cái của cụ được làm bằng nhôm nên cho ra một âm thanh khác biệt, vang và thanh thoát hơn.
Sau chiến tranh, cụ Chảnh trở về sống tại quê hương và tiếp tục tình yêu âm nhạc. Năm 1992, cụ lập nhóm cùng một số người tại địa phương biết sử dụng nhạc cụ dân tộc, người thổi khèn, người thổi tù và, người hát..., còn cụ Chảnh đảm nhiệm vai trò gõ xar và nhạc trưởng.
"Mỗi lần trong cộng đồng người Pa Cô tại địa phương có dịp tổ chức các lễ hội truyền thống, nhóm chúng tôi thường đến để chơi nhạc cụ. Thỉnh thoảng chính quyền xã, huyện cũng gọi chúng tôi đi biểu diễn", cụ Chảnh chia sẻ.
Bên cạnh việc tổ chức một nhóm nhỏ để sinh hoạt âm nhạc, cụ Chảnh cùng những người khác còn phụ trách thổi khèn, đánh chiêng,… cho cộng đồng Pa Cô mỗi khi có dịp tổ chức lễ hội. Thi thoảng những người "nghệ sĩ" núi rừng này còn được chính quyền địa phương đưa về miền xuôi để biểu diễn, giao lưu.
Cụ Chảnh cũng mong muốn thế hệ trẻ sau này cũng sẽ có đam mê với nhạc cụ dân tộc để tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đẹp đẽ của cộng đồng người Pa Cô, để những tiếng đàn, tiếng chiêng, tiếng tù va vẫn mãi vang lên giữa núi rừng của đại ngàn Trường Sơn.
Bình luận (0)