Cụ ông Sài Gòn bán chong chóng bị lừa tiền: 'Ráng cười vì còn nhiều người tốt'

30/08/2020 12:08 GMT+7

Hơn 40 năm, ông Năm đẩy xe bán chong chóng, kẹo bông gòn, bong bóng... ở Sài Gòn . Lần đầu ông bị lừa bởi kẻ gian tẩy xóa tờ 20.000 đồng thành 500.000 đồng. Dù buồn nhưng ông nghĩ: “Ráng cười vì còn nhiều người tốt”.

40 năm đi bán hàng rong, lần đầu tiên bị lừa tiền

Ông Năm và gia đình ngụ tại đường Nguyễn Duy (Q.8, TP.HCM). Ông làm nghề bán chong chóng, kẹo bông gòn, bong bóng khu vực gần trường Tiểu học Lý Nhân Tông đã hơn 40 năm nay. Mỗi ngày, ông bán buổi sáng khoảng từ 7 giờ đến 10 giờ, chiều từ 15 giờ đến đêm.
Hơn 40 năm đẩy xe bán hàng rong, ông Năm kể chưa bao giờ gặp trộm cướp, lừa gạt vì trong người ông cũng không có gì đáng giá. Lần bị lừa tiền này là lần đầu tiên ông Năm gặp phải.

Căn nhà nhỏ này đã được dựng lên mấy chục năm nay

Ảnh: Trần Kim Anh

Căn nhà nhỏ thường xuyên bị dột ướt khi trời mưa

Ảnh: Trần Kim Anh

Chiếc xe của ông Năm đã đi theo ông mấy chục năm liền

Ảnh: Trần Kim Anh

“Tối hôm đó khoảng 19 giờ, tôi bắt đầu đẩy xe hàng về nhà, đi qua đoạn đường gần chợ Xóm Củi, có 2 người ghé đến mua hàng. Tôi vẫn bán như những người khách khác. Họ mua 1 chong chóng, 2 bong bóng, 1 cây kẹo bông gòn, tổng hết là 30.000 đồng. Họ đưa cho tôi đồng tiền có ghi 500.000 đồng và tôi thối lại 470.000 đồng. Sau khi tôi thối tiền, tôi thấy họ chạy đi rất nhanh, tôi lấy đồng tiền ra xem và thấy mặt kia ghi 20.000 đồng. Không tin vào mắt mình nên tôi đến nhờ một số người ở gần đó xem giúp, họ nói tôi đã bị lừa. Thấy thương tôi nên nhiều người góp một ít cho tôi kẻo mất công một ngày bán đã ế còn bị lừa gần hết tiền vốn”, ông Năm nhớ lại.
Ông Năm một mình đi bán hàng nuôi gia đình Trần Kim Anh

Ông Năm một mình đi bán hàng nuôi gia đình

Ảnh: Trần Kim Anh

Sau khi được nhiều người ủng hộ lại số tiền bị lừa mất, ông Năm đẩy xe hàng về nhà. Một người ở đó đã xin lại tờ tiền, đăng hình ảnh và kèm lời cảnh báo lên mạng xã hội để cộng đồng cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, đặc biệt là vào buổi tối. Dưới bài viết có hàng ngàn bình luận động viên ông cụ và lên án hành vi xấu của người lừa tiền.
Tài khoản Hạnh Dung viết: “Sao những người lừa đảo này lại tấn công một ông cụ già bằng tuổi cha, tuổi ông của họ chứ. Họ đã nghèo, trời tối om vẫn mưu sinh trên đường, làm như vậy với một người liệu có xứng đáng không? 500.000 đồng có lẽ là cả gia tài của những người nghèo này”.
Trò chuyện với Thanh Niên, ông Năm nói dù buồn nhưng ông vẫn cố vui vẻ cười, tối hôm ấy ông về nhà và cũng giấu vợ để bà không lo lắng. Nhưng vì có clip trên mạng xã hội, được người cháu đưa cho xem nên sau đó bà biết chuyện.

Gồng gánh gia đình

Ông Năm sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, mọi gia tài hiện có đều do cha mẹ để lại. Để mưu sinh, ông chọn đẩy xe đi bán hàng. Không ít người dân sống khu vực quận 8 đã quen với hình ảnh cụ ông đẩy xe chong chóng bất kể mưa gió, ngày, đêm đi bán kiếm tiền nuôi gia đình.
“Căn nhà này là nơi tôi được cha mẹ sinh ra, từ đó tới giờ tôi vẫn sống ở đây. Căn nhà này bé tí, nối liền với căn nhà của người khác nhưng nó là kỷ niệm cha mẹ để lại. Trời mưa thì ở trong nhà vẫn bị dột ướt, phía trước che tấm bạt tránh mưa tạt. Còn có chiếc xe đẩy hàng đi bán của tôi cũng cũ rồi, nó theo tôi cả mấy chục năm để kiếm miếng cơm nuôi cả nhà”, ông Năm kể.
Ông Năm buồn bã khi nói về những người đã lừa mình Trần Kim Anh

Ông Năm buồn bã khi nói về những người đã lừa mình

Ảnh: Trần Kim Anh

Mỗi ngày, ông bán chong chóng, kẹo bông gòn, bong bóng được khoảng 70.000 đồng. Từng đó nuôi 3 miệng ăn. Khi học sinh đi học, mỗi ngày ông kiếm được khoảng 80.000 – 90.000 đồng, nhưng khi dịch bệnh hay học sinh nghỉ hè, thu nhập hằng ngày của ông giảm đi rất nhiều.
Trong căn nhà xập xệ, ông Năm sống cùng người vợ 76 tuổi, sức khỏe yếu và người con trai 49 tuổi không lao động được vì gặp tai nạn từ nhỏ. Những người con khác của ông Năm đều đã lập gia đình và sống ở xa. Vì không có điện thoại di động nên vợ chồng ông Năm và con cái phải rất lâu mới có thể gặp mặt.
Bà Nguyễn Thị Thanh (66 tuổi, nhà kế bên nhà ông Năm) chia sẻ: “Ông ấy lớn tuổi hơn tôi. Chúng tôi sống kế nhà nhau cũng đã hơn 60 năm. Ông Năm hiền lành lắm, tính ông vẫn vậy từ khi còn trẻ đến khi có vợ, có con. Hai căn nhà kế nhau nên chúng tôi hay qua lại nói chuyện, san sẻ khó khăn với nhau. Hôm ông Năm bị gạt tiền tôi có nghe nói, ông về rất buồn và còn khóc nữa, tại nghèo mà, số tiền đó lớn lắm”.
Bà Nguyễn Hiền, hàng xóm của ông Năm, cho biết gia đình ông Năm luôn sống yên bình, vui vẻ với mọi người trong khu. “Ông Năm ngày nào cũng đẩy xe đi bán rồi đẩy về. Bà cụ ở nhà bị chứng nặng tai nên nhiều người trong khu thương ông bà lắm. Xung quanh nhà ông bà cụ dần dần xây nên những căn nhà mới còn ông Năm vẫn luôn sống trong căn nhà như một túp lều mấy mươi năm nay”, bà Hiền chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.