"Cực hình" chờ phà giữa trời nắng
Sáng thứ hai đầu tuần, anh Hồ Đặng Nghĩa (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) hẹn đưa người bạn sang Cần Giờ tập lái xe. Xuất phát từ Khu công nghiệp Hiệp Phước 2, anh Nghĩa không mất quá nhiều thời gian để chạy xe tới phà Bình Khánh (đường Huỳnh Tấn Phát, H.Nhà Bè), cách đó khoảng 10 km.
Đường Huỳnh Tấn Phát khá thông thoáng, không xảy ra tình trạng ô tô xếp hàng dài chờ qua phà như vào dịp lễ, tết hay cuối tuần. Tuy nhiên, vừa chạy xe vào tới khu vực barie mua vé thì nhân viên điều tiết yêu cầu xe anh Nghĩa dừng lại, cùng khoảng 5 xe hơi đang nối đuôi phía sau chờ chuyến phà kế tiếp. Khoảng 20 phút sau, phà Bình Khánh mới quay đầu. Dòng xe hơi, xe máy lần lượt ùa lên phà, xếp hàng chờ khoảng 5 - 6 phút để các phương tiện ổn định vị trí, sau đó mất thêm 10 phút để phà cập bến sang tới Cần Giờ.
8 giờ bắt đầu xuất phát, nhưng phải tới 9 giờ 15, xe của anh Nghĩa và bạn mới đến được đường Rừng Sác. Đường Rừng Sác rộng thênh thang, gần như chỉ có xe tập lái của một số trung tâm sát hạch. Tuyến đường cho phép tốc độ tối đa tới 80 km nên đây là cung đường lý tưởng cho các học viên tập lái đường trường.
11 giờ đã bắt đầu quay trở về thành phố. 11 giờ 15 ra tới phà Bình Khánh, xe của anh lại tiếp tục chặng đường chờ phà 30 phút giữa cái nắng chang chang của TP.HCM vào đỉnh mùa khô. Không quay ngược về Nhà Bè mà chạy thẳng lên quận 1 có việc, hơn 13 giờ, anh Nghĩa mới tới điểm hẹn.
"Mang tiếng cùng trong thành phố mà di chuyển mất gần 2 giờ đồng hồ. Đường bên Cần Giờ chạy thích bao nhiêu thì bên này cực bấy nhiêu. Không gì sốt ruột bằng lúc chờ phà. Nắng nôi kinh khủng, mình ngồi xe hơi còn đỡ, thấy bà con đi xe máy đứng nhễ nhại chờ, tội thật sự! Đi ngày đầu tuần mà còn vậy, cuối tuần hoặc lễ đông, chờ thêm mấy lượt phà nên không ùn tắc kéo dài ra hết đường" - anh Hồ Đặng Nghĩa ngán ngẩm.
Phà Bình Khánh cũng chính là nút thắt của ngành du lịch Cần Giờ suốt nhiều năm qua. Các công ty du lịch đã tổ chức tour tới huyện đảo này đều e ngại về vấn đề di chuyển của khách từ TP.HCM tới Cần Giờ.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Lien Bang Travelink chia sẻ, ngoài các vùng biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long..., TP.HCM cũng là lựa chọn của rất nhiều khách Trung Quốc khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, đến TP.HCM, họ muốn đi biển sẽ chạy xuống Vũng Tàu, ra Phan Thiết; muốn khám phá mới lạ của miền sông nước sẽ chọn miền Tây như Mỹ Tho, Cần Thơ... chứ rất ít khách chọn Cần Giờ. Về phía khách thì sản phẩm nghèo nàn, chưa đủ hấp dẫn; phía doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà vì di chuyển không thuận tiện.
“Giữa thời tiết nắng nôi thế này mà phải lên xuống xe liên tục để qua phà, rất bất tiện. Thời gian chờ phà cũng gây nhiều khó chịu, đặc biệt vào những giờ cao điểm, xe xếp hàng dài như kẹt xe trong thành phố. 60 km mà mất cả 2 tiếng đồng hồ di chuyển, ngốn hết thời gian vui chơi của khách. Mỗi đoàn khách vài chục tới 100 người, có thể họ đi lần đầu cũng sẽ thích thú trải nghiệm cảm giác qua phà nhưng thời gian chờ đợi sẽ khiến khách không muốn quay lại nữa. Cần Giờ mà không gỡ bài toán giao thông, cứ phải chờ phà thế này sẽ rất khó để phát triển du lịch" - ông Từ Quý Thành nhận định.
Bao giờ có cầu Cần Giờ 10.000 tỉ?
Từ cuối tháng 9.2015, Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ đã đề xuất xây cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh hiện tại để kết nối giao thông thuận tiện từ trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, vị trí xây cầu mà nhà đầu tư đề xuất lại không nằm trong quy hoạch giao thông nên thành phố phải chờ lấy ý kiến các sở, ngành rồi trình Thủ tướng xem xét.
Phải gần 1 năm sau, đến tháng 8.2016, Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ GTVT rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai. Và đến 9.5.2017, Văn phòng Chính phủ mới chính thức có văn bản đồng ý cho TP.HCM xây dựng cầu Cần Giờ cùng 2 công trình khác.
Cũng trong giai đoạn này, thông tin phà Bình Khánh sắp có cầu thay thế đã châm ngòi cho “cơn sốt” đất nền bùng nổ tại huyện đảo yên bình này. Chỉ trong 3 tháng, giá đất mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh tăng “chóng mặt”. Người đi biển bỏ biển để đi buôn đất; chợ cá, tôm cũng biến thành sàn giao dịch bất động sản… Không chỉ đẩy giá đất lên cao, cơn sốt đất còn khiến cuộc sống người dân nơi đây quay cuồng, đảo lộn.
Từ đó đến nay, những thông tin như UBND TP mới duyệt nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ - TP.HCM”, đã duyệt thiết kế cầu Cần Giờ... liên tục được đưa ra, dấy lên hy vọng cây cầu mơ ước bao năm sắp thành hình, rồi lại để người dân hụt hẫng vì cầu Cần Giờ vẫn chưa hẹn ngày khởi công.
Mới nhất, vào đầu năm nay, Sở GTVT TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khảo sát và cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cần Giờ. Công trình có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, quy mô 6 làn xe, thiết kế dây văng 1 trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ).
TP.HCM dự kiến đầu tư cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ngân sách thành phố tham gia gần 4.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư cân đối chi phí xây dựng. Gian đoạn chuẩn bị đầu tư 2022 - 2023, tiến tới khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.
Như vậy, nếu thuận lợi thì phải 5 năm nữa, người dân và du khách mới được đi cầu qua huyện đảo Cần Giờ.
Bình luận (0)