Liên tiếp trong tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ nhận được đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (điều tra lẩn tránh thuế AD/CVD) đối với sản phẩm thép cán nguội và thép mạ nhập khẩu từ VN. Theo nguyên đơn, sau khi Mỹ áp thuế CBPG và thuế chống trợ cấp đối với hai sản phẩm này của Trung Quốc ở mức khá cao, từ 400 - 500%, thì lượng xuất khẩu từ nước này đã giảm đi rõ rệt. Ngược lại, lượng xuất khẩu của hai sản phẩm cùng loại từ VN sang Mỹ lại tăng đột biến. Do đó, doanh nghiệp (DN) Mỹ nghi ngờ các công ty Trung Quốc chuyển các sản phẩm này qua các nhà máy của VN gia công, sản xuất một công đoạn nhỏ rồi xuất khẩu vào Mỹ để né thuế.
|
Đây không phải là lần đầu tiên VN bị các nước cáo buộc về hành vi lẩn tránh thuế AD/CVD sau khi đã áp thuế cho sản phẩm tương tự từ Trung Quốc. Vì vậy, một số DN sản xuất thép cho biết không hề bị bất ngờ với thông tin này.
Có thể kể những vụ việc tương tự từng xảy ra cho các sản phẩm khác như gỗ, đá granite... mà kết quả cuối cùng là hàng của VN đều bị áp thuế tương tự Trung Quốc. Chẳng hạn, cuối tháng 8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ban hành kết luận điều tra lẩn tránh thuế AD/CVD với gỗ dán nhập khẩu từ một số nước, trong đó có VN. Kết quả, các DN VN sẽ bị áp mức thuế 240 USD/m3, tương đương mức thuế CBPG đã được Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đối với hàng nhập khẩu của các DN Trung Quốc từ năm 2006. Chỉ có 2 DN VN tham gia cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời gian và chứng minh được hàng xuất khẩu sản xuất tại các công ty nên không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Tương tự, vào tháng 2 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kết luận các nhà sản xuất và xuất khẩu VN đã thực hiện hành vi lẩn tránh thuế CBPG mà Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đối với sản phẩm đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, mức thuế CBPG đang áp dụng với đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc là 174 USD/tấn cũng sẽ được áp dụng đối với đá granite nhập khẩu từ VN.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp mức thuế lên đến 25,27% khi khẳng định ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ VN đã lẩn tránh thuế CBPG...
Làm gì để tránh bị vạ lây ?
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng kiện phòng vệ thương mại là điều không tránh khỏi trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt hơn, khi VN và các nước Đông Nam Á có sự trùng lặp về sản phẩm xuất khẩu với Trung Quốc thì nguy cơ bị khởi kiện vạ lây là rất cao.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, cho biết trước đây Ấn Độ đã khởi xướng điều tra CBPG đối với máy ép đùn, phun nhựa xuất khẩu từ VN. Trong khi các công ty trong nước không sản xuất được thì đã có một DN 100% vốn Trung Quốc (trụ sở tại Bình Dương) xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ. Vì vậy, nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh thuế cho các sản phẩm của VN là điều khó tránh khỏi. “Nhiều DN sẽ tìm cách chuyển cơ sở sang VN để sản xuất hoặc chuyển bán thành phẩm sang VN hoàn tất và xuất khẩu để né thuế ở các nước. Nếu bị áp thuế CBPG, sản phẩm của VN sẽ bị mất hẳn thị trường xuất khẩu, như trường hợp túi nhựa PE của VN không thể có mặt tại thị trường Mỹ sau khi bị nước này áp thuế”, ông Trần Việt Anh lưu ý.
TS Phan Văn Chắt, báo cáo viên Bộ Công thương về hội nhập kinh tế quốc tế và thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN, phân tích cả VN và Trung Quốc đều chưa được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, giá xuất khẩu của VN nói riêng hay của các nước Đông Nam Á lẫn Trung Quốc đều rất thấp là lý do chính khiến hàng hóa sẽ bị điều tra phòng vệ thương mại. “Đặc biệt, khi hàng Trung Quốc đã bị áp thuế CBPG thì các DN ở nước sở tại sẽ không dễ gì buông tha cho sản phẩm của VN, vì họ thường cho rằng có mối quan hệ với DN Trung Quốc. Có đến 95% DN VN là vừa và nhỏ, kinh doanh theo quán tính, không nắm được quy chế về kiện CBPG và không giải trình được khi bị điều tra nên chắc chắn sẽ bị áp thuế CBPG. Thực tiễn, các vụ VN bị kiện đã chứng minh điều đó”, TS Chắt nói. Ông cũng lưu ý, để tránh nguy cơ bị kiện, các DN nên tham khảo giá hàng cùng loại đang được tiêu thụ tại Bangladesh và Ấn Độ, và bán cho sát giá của các nước này. Bởi các nước này đã được công nhận nền kinh tế thị trường và khi VN bị kiện, cơ quan điều tra các nước thường lấy giá ở các nước này để so sánh với giá xuất khẩu của ta. Ngoài ra, khi sản phẩm hay ngành hàng bị kiện, dù DN không có tên vẫn phải giải trình vì nếu không sẽ bị áp mức thuế càng cao.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, thời gian qua cứ sau khi Trung Quốc bị áp thuế là sẽ đến lượt VN bị khởi kiện. Vì vậy, cần phải tính toán kỹ để không gia tăng quá nhanh lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường mà hàng Trung Quốc đã bị áp thuế. “Riêng đối với hiện tượng những DN Trung Quốc chuyển hướng đầu tư sản xuất tại VN để hàng hóa tránh bị áp thuế thì không thể ngăn chặn được. Quan trọng nhất là các DN trong nước phải tích cực hợp tác để trả lời các câu hỏi điều tra và chứng minh được sản phẩm của mình không bán phá giá hoặc thật sự có hoạt động sản xuất tại VN, chứ không phải là lấy hàng từ Trung Quốc để xuất khẩu...”, ông Long khuyến cáo.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kiện lẩn tránh thuế hay kiện CBPG được xem là bình thường. Các cơ quan điều tra các nước cũng sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp trong từng ngành hàng và sẽ có mức thuế riêng biệt. Vì vậy, nếu là DN làm ăn đàng hoàng thì phải chứng minh mình vô tội. “Các DN đừng thờ ơ với những hoạt động này, vì nó liên quan đến quyền lợi của chính mình”, ông Long nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)