Sốc, bức xúc... là tâm trạng của tất cả mọi người trước câu nói “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi” của ông Chu Xuân Phàm - Phó phòng đối ngoại FHS khi được hỏi về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển... Dù hôm qua, lãnh đạo Formosa và ông Phàm đã cúi đầu xin lỗi về phát ngôn gây sốc, nhưng nếu "ngẫm" kỹ sẽ thấy, đây là một cú sốc cần thiết cho chúng ta.
Giữa môi trường biển trong lành cho cá, tôm sinh sống và nhà máy thép trị giá hàng tỉ USD, chúng ta chỉ có quyền chọn một. Đó là sự thật. Chọn nhà máy thép, chúng ta phải hy sinh biển (tổng diện tích thực hiện dự án Formosa hơn 3.300 ha trong đó hơn 1.000 ha diện tích mặt biển). Chưa nói đến ô nhiễm thì biển là nơi sinh kế của hàng ngàn, hàng vạn hộ dân tại Hà Tĩnh. Mất biển, họ mất đi sinh kế. Hàng ngàn hộ dân đã phải di dời quê hương để nhường đất, nhường biển cho dự án. Cuộc sống của họ từ đó cũng trở nên bấp bênh, nghèo khó... Có thể nói, đây là bằng chứng sống cho việc đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Đáng tiếc là trong trường hợp này, tăng trưởng chưa thấy thì môi trường đã bị trả giá. Kinh tế nông, ngư nghiệp đã bị thiệt hại nặng nề và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng trầm trọng. Vì thế, điều đầu tiên phải làm sau cú sốc này từ nay về sau, phải kiên quyết nói không với các dự án phải hy sinh môi trường.
Thứ 2, phải xem lại “bộ lọc” khi cấp phép các dự án FDI. Thực tế, Formosa đã có "tiền sử" về gây ô nhiễm môi trường nặng nề ở nhiều nước trên thế giới. Ngay tại Đài Loan, tập đoàn này cũng nằm trong top 10 công ty gây ô nhiễm nhất. Vậy khi cấp phép, các cơ quan có thẩm quyền của VN có biết “truyền thống” này hay không? Chắc chắn biết. Một dự án giá trị hàng chục tỉ USD thì những thông tin cơ bản về chủ đầu tư không thể bỏ qua. Nếu biết, theo logic thông thường, chúng ta sẽ phải nâng cao cảnh giác. Nghĩa là các yêu cầu, điều kiện về môi trường càng phải khắt khe hơn và đảm bảo cơ quan chức năng có thể kiểm soát được việc thực thi. Nhưng thực tế thì ngược lại. Chúng ta cho phép họ xây dựng hệ thống đường ống ngầm (rất khó quản lý) khổng lồ để xả thải ra biển; cho phép nhập mỗi tháng vài trăm tấn hóa chất độc hại về súc rửa đường ống nhưng việc súc rửa không ai quản lý; Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án không tham vấn các chuyên gia đầu ngành và người dân. Thậm chí đến giờ, báo cáo này vẫn chưa được công khai...
Nhưng đây không phải là vụ gây sốc duy nhất của Formosa. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, công ty này đã gây ra nhiều vụ tai tiếng ở VN. Đầu tiên là vụ xin thành lập “đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với nhiều ưu đãi vượt khung pháp luật VN; vụ hơn 3.000 lao động Trung Quốc làm việc chui tại dự án này; vụ sập giàn giáo khiến 13 người chết tháng 3.2015; vụ xây miếu thờ trái phép...
Trở lại với phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm. Ông Phàm nói không sai: “Muốn bắt cá, tôm hay nhà máy, cứ chọn đi”. Đó là tư duy của một doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm tôn chỉ mà bất cần các yếu tố khác. Tư duy đi ngược với xu thế phát triển xanh của thế giới và chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ bị đào thải. Nhưng quyền lựa chọn là ở chúng ta. Chúng ta có quyền từ chối các dự án kiểu này, có quyền nói không với những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, có quyền gạt bỏ những đòi hỏi vô lối của các nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào VN...
Vấn đề là chúng ta chọn gì để không bị sốc mà thôi.
Bình luận (0)