Cũ ta, mới người

22/04/2007 00:45 GMT+7

Hôm rồi, xem ti vi thấy cảnh một em bé người Mỹ sờ tay một cách mê đắm vào chiếc nồi đất nung cổ của Việt Nam đang trưng bày tại một bảo tàng nổi tiếng ở New York, tôi chợt lâng lâng một nỗi gì. Thì ra, không chỉ có chuyện "cũ người, mới ta" mà còn chuyện "cũ ta, mới người" nữa!

Một chiếc nồi đất nung, có gì lạ lẫm với người Việt đâu nhỉ? Vậy mà, khi nó vượt quá nửa vòng trái đất hành hương sang Mỹ, nó đã được đón nhận với đầy vẻ ngạc nhiên của những người thưởng ngoạn. Ai cũng nói: hội nhập văn hóa là đưa ra thế giới những cái mình có mà người không có. Nhưng chưa chắc người ta đã thích thú, đã đón nhận những cái "mình có" mà họ không có. Ngược lại, làm sao để biết, cái "mình có" nào là thực sự có giá trị, và nói chung, thế giới sẽ đón nhận những gì là "độc đáo" của Việt Nam ra sao? Tôi xin nói về chiếc nón lá.

Nón lá, với người Việt là quá bình thường. Nó là món "đồ cổ" luôn luôn mới, vì người Việt chỉ quan tâm tới "nón mới" và "nón cũ" chứ ít khi nào nói "nón cổ". Vậy mà đã từng có những chiếc nón lá "cổ" hẳn hoi, bây giờ chẳng mấy ai dùng. Như nón Gò Găng (Bình Định), nón quai thao, nón ba tầm của xứ Bắc… Nón Gò Công hay nón An Định (Mỏ Cày - Bến Tre). Những thứ "nón cổ" ấy bây giờ đang có cơ "tuyệt chủng". Đơn giản, vì chẳng ai đội. Mà người ta chỉ chằm nón để bán cho người mua đội, chứ ở ta, chưa có thị trường chằm nón bán cho người mua… chơi.

Cứ mỗi lần gặp một đoàn du khách Tây, dù là "Tây ba lô" hay "Tây valise", tôi cũng đều thấy họ, khi có dịp ngang qua Huế hoặc Đà Nẵng, lại đội nghễu nghện trên đầu có khi là cả một… chồng nón lá. Thứ nón bài thơ nổi tiếng của Huế, nhẹ nhõm, tinh khiết, nõn nà. Nhưng nếu có người Việt nào "chơi nón lá" cắc cớ, sưu tập hẳn một "bảo tàng… nón lá Việt Nam", tôi chắc, đó sẽ là một bảo tàng độc đáo không kém gì bảo tàng đồ gốm sứ hay bảo tàng đồ đất nung.

Trong "bảo tàng nón lá" ấy, nếu sưu tầm đủ loại nón các dân tộc sống trên dải đất hình chữ S này đã và đang đội, tôi nghĩ "danh mục nón" sẽ lên tới hàng trăm loại. Rất giống nhau và rất khác nhau. Tất cả các loại nón này đều có thể "nhân bản", đều có thể sản xuất hàng loạt để bán cho du khách. Với người nước ngoài du lịch Việt Nam, họ mua nón đâu phải để… đội. Họ mua để chơi, để bày trong nhà họ như những kỷ vật, những món sưu tập, những đồ… cổ (phiên bản). Như thế, những "mẫu nón" càng lạ bao nhiêu có lẽ càng hút hàng bấy nhiêu.

Tôi đã từng nhìn ngắm mê mải những người đàn ông dân tộc Nùng ở Cao Bằng đội một kiểu nón lá rất ấn tượng của họ, mang đầy vẻ bí hiểm của những "kiếm khách" trong truyện xưa. Ta đã có không ít bài thơ, bản nhạc ngợi ca chiếc nón lá, cùng với tà áo dài Việt Nam như một biểu tượng cho người con gái Việt. Nhưng ta đã bao giờ để ý, chúng ta có bao nhiêu loại nón lá chưa? Cùng được chế tác từ lá nón hay từ một nguyên liệu tre nứa lá nào đó, nhưng chúng khác nhau về mẫu mã, khác nhau cả về quan niệm văn hóa, nhân chủng, dân tộc, vùng miền… Chúng đa dạng trong sự thống nhất. Chúng độc đáo không chỉ từ chất liệu, mà còn từ một triết lý Đông phương về "trời tròn". Đội nón lá là "đầu đội trời" đấy! Nhưng nếu Nguyễn Duy có bài thơ Bầu trời vuông thì nón lá Việt Nam cũng không chỉ một dạng tròn như nón Huế.

Xem ra, chỉ riêng từ chiếc nón lá quá bình thường ấy thôi, nếu ta biết khai thác hết cỡ, khai thác với những ý tưởng kinh doanh văn hóa độc đáo, ta sẽ có "cái để mà hội nhập" hoàn toàn đáng tự hào. Thì hội nhập… nón, chứ sao! Tây có nón kiểu Tây, Mỹ có nón kiểu Mỹ, còn Việt Nam ta cũng có kiểu nón của ta. Và, cũ ta, nhưng mới người, những chiếc nón lá Việt Nam có thể đến với những vùng đất khác nhau trên khắp thế giới này.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.