Trong lễ trao giải Oscar 2022 tối 27.3 (giờ Mỹ), nam diễn viên hài Chris Rock bước lên sân khấu để công bố giải Phim tài liệu hay nhất.
Trong lúc pha trò, Chris Rock đã mang câu chuyện bệnh rụng tóc của vợ Will Smith ra để trêu đùa rằng mong muốn thấy Jada Pinkett Smith đóng phần 2 của G.I.Jane (bộ phim có nữ chính tạo hình đầu trọc). Được biết, vợ của Will Smith bị mắc bệnh rụng tóc alopecia nên phải cạo đầu.
Diễn viên Will Smith tát MC đồng thời là nghệ sĩ hài Chris Rock trên sân khấu trao giải Oscar 2022 |
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TWITTER |
Ngay sau đó, Will Smith tiến lên sân khấu tát thẳng vào mặt Chris Rock trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả trong khán phòng nhà hát Dolby, trước ống kính của giới truyền thông và đặc biệt là trên sóng truyền hình trực tiếp toàn cầu.
Đã có rất nhiều tranh cãi trước cách hành xử thô bạo của Will Smith và cả trò đùa có phần “kém duyên” của Chris Rock. Từ câu chuyện này, nhiều người nhận ra việc mang khiếm khuyết, hay khuyết điểm của người khác ra làm trò đùa vẫn thường xuyên diễn ra trong đời sống của một bộ phận người Việt. Những hành vi này đôi khi tiềm ẩn nguy cơ miệt thị ngoại hình và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng chứ không đơn giản chỉ là một trò đùa…
Nhiều người trẻ cho biết cảm thấy bản thân bị miệt thị ngoại hình trong những lần đùa giỡn của người khác, họ cho biết điều này để lại sự mặc cảm, cảm giác thiếu tự tin khi tiếp xúc với đám đông.
Điển hình như trường hợp của N.N.Q.N (23 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Q.N cho biết cô phải cố gắng tỏ ra bình thường trước những lời trêu chọc của bạn bè vì mái tóc xù, rễ tre của mình.
“Thời đi học tôi thường xuyên phải chịu đựng những lời chê bai vì mái tóc xù, rễ tre không giống với các bạn gái khác. Thậm chí có nhiều bạn trong lớp đã kéo tóc hay dán keo lên tóc tôi như một trò đùa cho tất cả mọi người. Ngày xưa tôi chỉ biết buộc gọn tóc lại và mỉm cười cho qua dù trong lòng rất buồn nhưng vẫn cố tỏ ra bình thường vì sợ mất lòng với các bạn trong lớp sẽ bị tẩy chay”, Q.N kể lại.
Q.N cho biết cô học cách chấp nhận bản thân và suy nghĩ tích cực để tập trung vào việc học thay vì quá bận tâm vào ngoại hình. Vào đại học, nhờ sở hữu một nét đẹp khác biệt cùng thái độ sống cởi mở, ăn nói khéo léo, Q.N nhận được sự yêu mến của nhiều người bạn. Giờ đây cô xem sự chê bai ngày xưa cũng chỉ là chất xúc tác để bản thân trở nên mạnh mẽ và thành công hơn trong tương lai.
Không có làn da sáng màu giống các cô gái khác cũng khiến U.T.K.T (22 tuổi, nhân viên văn phòng tại Bình Dương) trở thành tâm điểm cho những câu chuyện cười của bạn bè. Việc các bạn nam trong lớp “ga lăng” với tất cả các bạn nữ khác trừ K.T là điều thường xuyên xảy ra.
“Chúng ta không nên quá quan tâm vào lời nói của người khác và hãy học cách chấp nhận sự khác biệt của bản thân. Mỗi người có một đặc điểm riêng mà họ không thể lựa chọn nên không có điều gì xấu hổ”, K.T chia sẻ cách cô vượt qua sự miệt thị ngoại hình từ người khác.
Nguyên nhân dẫn đến miệt thị ngoại hình
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Trung tâm đào tạo Ý Tưởng Việt, cho biết: “Miệt thị ngoại hình (Tên khác: Body Shaming) là một hình thức sử dụng lời nói, ngôn ngữ để bình luận, nhận xét hay thậm chí là chê bai, hạ nhục, chế giễu vẻ ngoài của người khác hoặc chính bản thân mình.
Theo anh Nhân, trong các tình huống nhất định, nếu một người nào đó sử dụng lời nói để bình phẩm ngoại hình của người khác bằng một thái độ tiêu cực hay chế giễu thì đã được xem là “miệt thị ngoại hình” vì nó đã có những dấu hiệu rất rõ nét”.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện miệt thị ngoại hình:
Một là sự nhầm lẫn độc hại trong việc không phân biệt được ranh giới giữa lời nói đùa và một lời miệt thị ngoại hình: Khá nhiều trường hợp người có hành vi miệt thị ngoại hình thường cho rằng đó chỉ đơn giản là một lời nói trêu đùa, mang tính chất hài hước, vui nhộn. Đến khi những lời miệt thị đó nhận được sự phản ứng dữ dội từ đối phương, họ mới nhận thức được đó không phải là lời nói đùa vô hại mà đã trở thành những lời miệt thị độc hại đến người khác.
Hai là thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử dẫn đến việc dùng ngôn ngữ không phù hợp, không đúng mục đích sẽ biến những lời nói ấy thành hiện tượng “miệt thị ngoại hình”.
Ba là thiếu tôn trọng người khác. Nguyên nhân này xuất phát từ chính trong tính cách của mỗi người. Khi thiếu tôn trọng người khác, con người trở nên dễ dàng và thoải mái trong việc đưa ra những phán xét, bình luận, chê bai người khác dưới góc nhìn phiến diện của họ, dần dần trở thành thói quen miệt thị người khác trong mọi mặt, bao gồm ngoại hình.
Cần bình tĩnh trước lời nói miệt thị ngoại hình
Thạc sĩ Nhân lưu ý, khi đứng trước những lời nói mang tính chất miệt thị ngoại hình thì người trẻ cần thật sự bình tĩnh vì chúng ta sẽ tổn thương nếu cho phép bản thân mình tiếp nhận những lời bình luận thiếu tích cực.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân |
NVCC |
“Bên cạnh đó, các bạn trẻ chỉ nên tiếp thu một cách có chọn lọc, tức tiếp thu những góp ý, chia sẻ tích cực và thật sự đúng đắn với bản thân. Ngược lại, hãy loại bỏ những góp ý thiếu lành mạnh và không đúng với bản thân”, anh Nhân chia sẻ.
Anh Nhân đồng thời nhấn mạnh: “Lời miệt thị tạo ra những nhìn nhận sai lệch, những cảm xúc tiêu cực cho đối phương và từ đó mối quan hệ giữa những người trong cuộc ngày càng tệ hơn, không giúp duy trì mối quan hệ. Trong khi đó, lời góp ý mang tính chất xây dựng và giúp các cá nhân hoàn thiện bản thân mình. Lời góp ý thể hiện sự chân thành và thiện chí từ người nói, giúp mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên tốt đẹp hơn chứ không phá vỡ mối quan hệ”.
Bình luận (0)