Vào khoảng thời gian 2009 - 2015 tôi thuê trọ tại đường Bình Dương Thi Xã gần ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân, khu vực giáp ranh Q.Tân Bình và Q.11. Thực chất đây chỉ là một con hẻm với nhiều ngõ nhỏ đan xen, người dân của hẻm này đa số là người gốc Hoa sinh sống bằng nghề liên quan đến đổ thủy tinh, trong hẻm có nhiều xưởng chế tạo thủy tinh.
Đó là nguyên nhân giải thích cho chuyện nhiều người rất ngán đi qua con hẻm này vì sợ xe bị những mảnh dằm thủy tinh đâm xịt lốp. Khoảng thời gian thuê trọ ở đó ngoài những người hàng xóm tốt bụng nói tiếng Hoa “ngộ nị”, thì ấn tượng mạnh nhất với tôi là một ông quét rác. Đều đặn dù ngày nắng hay mưa, cả sáng lẫn chiều tối con người đó làm sạch ngõ hẻm.
Điểm dễ nhận ra ông nhất chính là tấm lưng còng, chỉ mặc độc một chiếc quần đùi cùng cây chổi chà, đồ hốt rác làm sạch phố phường. Hằng ngày ông đi khắp hẻm quét dọn, gom rác, đặc biệt là những dằm vụn thủy tinh bỏ vào thùng. Tôi biết ông không phải là nhân viên vệ sinh, cũng không nhận được đồng tiền công nào!
Đôi lần tôi nghe người ta nói có nhiều người trân quý hành động nên cho ông tiền nhưng ông không nhận, cùng lắm ông chỉ cầm vài điếu thuốc hay phần ăn sáng làm quà mà thôi. Tôi ít thấy ông cười, ông có cái gì đó chân chất nhưng khắc khổ, và thật sự là hơi khó gần nên nhiều người không có cơ hội bắt chuyện. Mỗi sáng sớm hay chiều tối đi làm về, đi ngang qua thấy ông tôi rất hứng khởi “con chào ông”.
Tôi thường dành hai ngày cuối tuần mang chổi, ki hốt rác ra quét phụ ông một tay, dần dà ông và tôi trở nên thân thiết. Cụ tên Thái Thành sinh năm 1940, ngụ ở hẻm Bình Dương Thi Xã này từ sau ngày giải phóng miền Nam 1975. Câu chuyện đến với công việc quét rác của cụ bắt đầu từ lúc cụ nghỉ việc ở một cơ sở sản xuất thủy tinh do cơ sở này bị giải thể, cụ chuyển sang thu mua đồ phế liệu mưu sinh. Thời trai trẻ, cụ từng làm công cho một vựa ve chai của người Hoa. Mỗi ngày qua lại con hẻm nơi mình sinh sống, thấy vương vãi đầy rác, cụ lại quét dọn và từ đó, cụ bắt đầu với công việc quét rác này.
Ai đã từng sống ở Sài Gòn đều quen thuộc hình ảnh mỗi khi mùa mưa đến là những con hẻm vương vãi rác rưởi với nước cống nhếch nhác. Nhưng trong vô vàn những con hẻm thì riêng hẻm Bình Dương Thi Xã lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Tất cả là nhờ công sức của ông, người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Sáng nay có việc chạy vào hẻm Bình Dương Thi Xã tôi nhớ ngay đến ông, cái hẻm nhỏ ngày xưa chằng chịt ổ gà, giờ được làm lại láng mịn, nhìn rất đẹp nhưng có cái gì đó thiêu thiếu - thiếu bóng ông. Tôi ghé lại quán bún nhỏ quen thuộc vừa ăn vừa chờ đợi một người! Ăn xong, tôi nán lại nhâm nhi thêm ly cà phê đá, nhưng chờ hoài vẫn không thấy ông. Có lẽ nào...
Cuộc sống như bức tranh có những mảng tối sáng tương phản. Thật hạnh phúc khi được sống với những con người không màng danh lợi, những con người làm đẹp cho đời mà không cần được tung hô hay chờ đợi xã hội ghi nhận như ông cụ. Với tôi cụ ông quét rác là minh chứng rõ ràng mà sâu sắc nhất cho những cái đẹp bình dị, những cái đẹp vẫn đang nảy nở ở thành phố tôi yêu - TP.HCM.
|
Bình luận (0)