TP.HCM nỗ lực đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống:

Cụ thể hóa chính sách, siết chặt trách nhiệm thực thi

Sỹ Đông
(thực hiện)
07/07/2023 06:18 GMT+7

Cơ chế mới cho phép tăng thêm biên chế và thu nhập cho cán bộ, công chức ở TP.HCM phải gắn liền với trách nhiệm, chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Thông điệp này được ông Huỳnh Thanh Nhân (ảnh), Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhấn mạnh khi chia sẻ với PV Thanh Niên về việc cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt Nghị quyết 98) ở lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế.

Cụ thể hóa chính sách, siết chặt trách nhiệm thực thi - Ảnh 1.

Thu nhập tăng thêm gắn với sự hài lòng

Nghị quyết 98 cho nhiều cơ chế mở, linh hoạt trong tổ chức bộ máy, biên chế của TP.HCM. Khi nào TP.HCM áp dụng các cơ chế này, thưa ông?

Nhằm chủ động triển khai Nghị quyết 98 ngay khi Quốc hội thông qua, UBND TP.HCM đã có kế hoạch chuẩn bị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang bám sát tiến độ, để tham mưu các nội dung theo đúng kế hoạch của UBND TP.HCM nhằm cụ thể hóa các chính sách đặc thù, nhất là các nội dung phải trình Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TP.HCM về cơ chế chính sách và tổ chức bộ máy của TP.Thủ Đức và TP.HCM.

Dự kiến, toàn bộ cơ chế, chính sách đặc thù sẽ hoàn tất việc thể chế hóa trong năm 2023 để tạo cơ sở pháp lý cho các sở, ngành, địa phương áp dụng.

Cụ thể hóa chính sách, siết chặt trách nhiệm thực thi - Ảnh 2.

Khối lượng cơ chế đặc thù khá lớn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức của TP.HCM phải nỗ lực, làm hết trách nhiệm

SỸ ĐÔNG

Nghị quyết 98 cho phép các phường trên 50.000 dân có thêm một phó chủ tịch UBND, các huyện tối đa 3 phó chủ tịch và TP.Thủ Đức tối đa 4 phó chủ tịch. Như vậy, sắp tới sẽ có thêm 48 phó chủ tịch phường, 3 phó chủ tịch huyện (Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ), TP.Thủ Đức sẽ có thêm 1 phó chủ tịch UBND và 1 phó chủ tịch HĐND.

Để chuẩn bị triển khai nội dung này, Sở Nội vụ đã dự thảo kế hoạch bổ sung các phó chủ tịch UBND phường, xã, dự kiến trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tháng 9.2023.

Quốc hội cho phép chi thu nhập tăng thêm tối đa 1,8 lần đối với đội ngũ cán bộ, công chức. TP.HCM sẽ đánh giá cán bộ như thế nào để khoản thu nhập tăng thêm chi đúng, chi đủ?

Từ năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội, TP.HCM đã chi thu nhập tăng thêm căn cứ theo kết quả đánh giá, phân loại hằng quý. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì mới được xem xét, cho hưởng thu nhập tăng thêm.

Đối với người đứng đầu các sở ngành, chủ tịch UBND các cấp, việc đánh giá còn căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và phải gắn với trách nhiệm đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) đối với thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Trên cơ sở đánh giá, phân loại hằng quý, việc chi thu nhập tăng thêm về cơ bản đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tương xứng với công sức, nỗ lực và kết quả đóng góp của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Chính phủ họp triển khai Nghị quyết 98

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Nghị quyết số 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có hiệu lực từ 1.8. Nghị quyết này bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM. Xem nội dung nghị quyết trên thanhnien.vn tại đường dẫn: https://thanhnien.vn/tphcm-duoc-thi-diem-nhieu-chinh-sach-dac-thu-185230624230244083.htm

Theo thông tin từ UBND TP.HCM, chiều nay 7.7, Thường trực Chính phủ chủ trì họp triển khai Nghị quyết 98/2023.

Sắp tới, TP.HCM sẽ ban hành quy chế mới, có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phù hợp hơn với tình hình thực tế nhằm nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại và chi thu nhập tăng thêm đảm bảo khách quan, chính xác hơn. Trong đó, thu nhập tăng thêm phải gắn liền với sự hài lòng của người dân và DN, đặc biệt là chất lượng hồ sơ hành chính phải được giải quyết đúng hẹn hoặc trước hẹn. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị phải đánh giá khách quan, chính xác của từng cán bộ, công chức.

Đội ngũ cán bộ, công chức vừa tăng về số lượng, vừa tăng về thu nhập, liệu TP.HCM có cải thiện được chất lượng phục vụ người dân và DN?

Nghị quyết 98 đã tạo thuận lợi lớn cho TP.HCM trong công tác bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Cùng với chính sách thu nhập tăng thêm, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn khi được bổ sung nhân sự chắc chắn sẽ cải thiện được hiệu quả thực thi công vụ, giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân và DN.

Xử lý cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Câu chuyện cán bộ sợ sai, không dám làm, né tránh trách nhiệm được dư luận nhắc rất nhiều trong thời gian qua. TP.HCM sẽ xử lý những trường hợp này như thế nào?

Kỷ luật, kỷ cương hiện nay đang được siết chặt. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố do sai phạm nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tuy chưa nhiều nhưng đã phần nào ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Có thể kể đến một số biểu hiện như: né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu chủ động trong tham mưu, đề xuất thực hiện nhiệm vụ, công vụ, dẫn đến khối lượng công việc tồn đọng, kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc chung.

Quan trọng vẫn là con người thực hiện

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Sở Nội vụ hồi tháng 6.2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Nội vụ đẩy nhanh tiến độ đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM ưu tú, với mục tiêu làm cho đội ngũ cán bộ, công chức tự hào làm việc trong bộ máy hành chính và cống hiến cho sự phát triển của TP.

Ông Phan Văn Mãi gợi ý Sở Nội vụ học hỏi các chuẩn mực của Singapore để xây dựng và phấn đấu, trong đó chú trọng các khâu tuyển chọn và đào tạo. Qua nghiên cứu, tỷ lệ đào tạo qua công việc của Singapore chiếm 70%, đào tạo qua trường lớp là 20%, còn lại là hướng dẫn trực tiếp và các hình thức khác. Sau khi đào tạo xong thì bố trí công việc phù hợp kèm theo các chính sách về nhà ở, thu nhập và chính sách khác.

Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh, đã chọn làm công chức thì không giàu nhưng phải đủ sống. "Các chính sách đưa ra rồi, quan trọng vẫn là đội ngũ thực hiện. Nếu không có đội ngũ đầy đủ tâm thế, quyết tâm, sự chuẩn bị thì nghị quyết tốt cỡ nào cũng không thực hiện đạt", ông Mãi nói.

Đối với những trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định, xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước có kế hoạch thực hiện Kết luận 14 năm 2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Hiện tiến độ kế hoạch đến đâu?

Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 14, các cơ quan, đơn vị đã đăng ký nhiều sáng kiến, giải pháp để giải quyết các vướng mắc về quy định pháp luật. Đến nay, Sở Nội vụ đã trình xin chủ trương lãnh đạo TP.HCM đối với 30 đề án, giải pháp phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.