Thay vì những nhóm vấn đề gợi ý trước, danh sách bộ trưởng trả lời chất vấn được xác định trước, trong 2 ngày rưỡi tới, bắt đầu từ hôm nay, tất cả các thành viên Chính phủ đều phải tham gia phiên chất vấn tại QH, để trả lời bất cứ câu hỏi nào của ĐBQH về những lời hứa của mình từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Với cách thức mới này, thì không chỉ là thách thức bản lĩnh các thành viên chính phủ mà nó đòi hỏi tính chuyên nghiệp của ĐBQH rất cao.
Không phải mọi sự thay đổi đều mang đến kết quả tốt đẹp, nhưng rõ ràng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, QH đã rất nỗ lực để đổi mới hoạt động chất vấn, vốn được trông đợi, như đỉnh cao của quyền lực ở QH.
Trung bình mỗi kỳ họp, số câu hỏi (chất vấn) được gửi trước khoảng 200 -300 câu, các phiên chất vấn từ chỗ giống như cuộc hỏi - đáp thông thường đã chuyển sang tranh luận theo nhóm vấn đề, và gần đây là ra nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn. Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động chất vấn cũng thấy, tính chuyên nghiệp của các ĐBQH chưa cao. Hoạt động chất vấn đôi khi lạc vào tranh luận các sự việc cụ thể, mà không làm rõ được các vấn đề ở tầm chính sách. Trong khi một vụ việc dù được giải quyết rất nhanh, cũng chỉ ảnh hưởng đến một vài người, còn một chính sách được giải quyết lợi ích đến cả triệu người. Đó là chưa kể, sa vào vụ việc cụ thể, QH sẽ không còn đủ thời gian để giải quyết vấn đề quốc gia.
Câu chuyện 4 bộ “lo” một mâm cơm là một ví dụ. Từ đầu nhiệm kỳ cho đến cuối nhiệm kỳ, trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến an toàn mâm cơm của mọi gia đình vẫn treo đó. Chất vấn lần nào cũng hỏi, bộ nào cũng hứa, nhưng cuối cùng, tình trạng mất an toàn thực phẩm, thực phẩm nhiễm độc, như đã biết, ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa mỗi người, mỗi nhà. Các ĐBQH vẫn còn thiếu kỹ năng trong việc đẩy các tồn tại, bức xúc ở tầm chính sách thành vấn đề trách nhiệm chính trị, như nó vốn phải thế.
Người ta thường giải thích cho hoạt động chưa hiệu quả tại QH là bởi vì đa số các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, đại biểu đóng 2 vai, thời gian dành cho công việc chính quyền và điều hành địa phương là chủ yếu, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách thấp (18,2% ở T.Ư và 12,6% ở địa phương). Điều này đúng nhưng chưa đủ. ĐBQH chuyên trách thì có điều kiện dành 100% thời gian cho hoạt động ở QH, nhưng các ĐBQH kiêm nhiệm lại có lợi thế tiếp cận trực tiếp với các vấn đề phát sinh từ đời sống. ĐB chuyên trách cũng không có cơ hội trở thành chuyên nghiệp, nếu không có bản lĩnh và tâm huyết, nếu thiếu những kỹ năng cần thiết để làm một chính khách. Những câu hỏi chất vấn lòng vòng, không rõ ý, bình luận vấn đề nhiều hơn là hỏi thì không phụ thuộc vào việc là ĐB đó chuyên trách, hay không chuyên trách, mà chính là năng lực, kỹ năng cá nhân của mỗi người.
Tính chuyên nghiệp của ĐBQH nằm ở chỗ, họ ý thức đầy đủ trách nhiệm đại diện của mình và làm mọi cách để giải quyết những bức xúc của cuộc sống, làm hài lòng cử tri. Cử tri sẽ rất thất vọng khi các ĐBQH sau khi tiếp nhận bức xúc của cử tri chỉ làm mỗi việc “báo cáo lên QH”, “chuyển các cơ quan chức năng” và chờ những lời hứa (nếu có) từ các phiên chất vấn để truyền đạt lại cử tri. Cử tri cần người đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ của mình ở QH, chứ không cần một người liên lạc.
Bình luận (0)