Cử tri không đồng tình đề xuất nộp tiền để giảm án hình sự về tham nhũng

21/03/2023 17:30 GMT+7

Cử tri không đồng tình với đề xuất khắc phục hậu quả bằng tiền mặt để giảm án hình sự trong xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trong đó, cử tri không đồng tình đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả bằng tiền mặt để giảm án hình sự trong xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. 

Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu biện pháp thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Cử tri không đồng tình đề xuất nộp tiền để giảm án hình sự về tham nhũng - Ảnh 1.

TTCP vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

TUYẾN PHAN

Vướng mắc về xử lý tài sản tham nhũng

TTCP cho hay, việc khắc phục hậu quả bằng tiền để giảm án hình sự trong xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được pháp luật quy định.

Ví dụ, điểm b, khoản 1, điều 51 bộ luật Hình sự quy định người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết để giảm trách nhiệm hình sự.

Hay như điểm c, khoản 3 và khoản 4 điều 40 bộ luật Hình sự quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng... thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Những năm qua, nhiều biện pháp thu hồi tài sản đã được áp dụng. Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm, cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả, thiệt hại.

Vì vậy, kết quả thu hồi tài sản đạt năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu do số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; tài sản bị tẩu tán, che giấu... hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; một số vụ án đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn...

Cử tri không đồng tình đề xuất nộp tiền để giảm án hình sự về tham nhũng - Ảnh 2.

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn tại Quốc hội

GIA HÂN

Xử lý nghiêm vi phạm về kê khai tài sản

Để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, TTCP cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Một giải pháp khác là tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

TTCP cũng nhấn mạnh việc xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường); nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán, các cấp, các ngành cần nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.

Xem nhanh 20h ngày 21.3: 'Ớn lạnh' nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM | Ông Nguyễn Viết Dũng bị kỷ luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.