Cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị sửa đổi luật Đất đai

21/03/2021 18:16 GMT+7

Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 10, cử tri nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều đề nghị sửa luật Đất đai , đặc biệt các điều khoản liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng...

Đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành luật Đất đai

Cụ thể, cử tri huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) đề nghị sửa một số điều “không phù hợp”, “ triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc” trong luật Đất đai hiện hành. Đơn cử, điều 53 của luật quy định, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ vào quy hoạch cấp trên và căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cấp tỉnh cho huyện.
Hiện tại, quy hoạch sử dụng đất cấp Quốc gia, cấp tỉnh chưa được phê duyệt, chưa phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp huyện; trong khi đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2011-2020 đã hết kỳ quy hoạch, nếu không lập và phê duyệt thì năm 2021 huyện sẽ không có chỉ tiêu sử dụng đất. Vì vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo lập ngược: quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ chủ động lập, trình phê duyệt, sau đó tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.
Điều 85 quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở tái định cư hoặc hạ tầng tái định cư, cử tri cho là quá chặt chẽ, ảnh hưởng tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư, đề nghị nên sửa “mềm” hơn với những trường hợp được nhân dân đồng thuận.
Cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, vì hiện nay thi hành luật "có rất nhiều vướng mắc bất cập", người dân đi xin cấp đất, cấp bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV), tách thửa… thủ tục còn phức tạp, khó khăn và còn tình trạng sách nhiễu.
Cử tri tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang diễn ra trong thực tế hiện nay như: mức giá thu hồi đất nông nghiệp, giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế, bảo đảm an sinh cho các hộ thuộc diện thu hồi đất.
Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, tích tụ đất đai,.. nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị xem xét sửa luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn, bởi luật hiện hành có một số điểm bất cập, đặc biệt là quy định về công tác bồi thường, giải tỏa.
Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ TN-MT quan tâm, chỉ đạo công tác định giá đất theo giá thị trường, tránh khiếu kiện phức tạp cũng như gây thất thoát tài sản nhà nước…
Nhiều địa phương khác cũng có các kiến nghị tương tự.
Trả lời các kiến nghị trên, Bộ TN-MT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 4.8.2020 về việc thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, vấn đề cử tri kiến nghị sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi luật.

Đang tổng hợp phản ánh của các địa phương về định giá đất

Liên quan đến giá, theo Bộ TN-MT, luật Đất đai năm 2013 quy định việc xác định giá đất cụ thể được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), đã nâng cao chất lượng kết quả xác định giá đất, cơ bản phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, bảo đảm hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, giá đất cụ thể tại một số địa phương còn thấp hơn so với giá đất thị trường. Nguyên nhân một phần do khi công chứng các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, người dân thỏa thuận giá đất thấp hơn hoặc bằng giá đất trong bảng giá đất để giảm thuế thu nhập? Nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, điều này ảnh hưởng đến thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất.
Để khắc phục tình trạng này, trong khi chờ các giải pháp khi luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi toàn diện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT tổng hợp phản ánh từ các địa phương để sửa đổi Nghị định số 44/2014 của Chính phủ quy định về giá đất, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc của các địa phương về định giá đất, đặc biệt là đối với các dự án thu hồi đất chuyển tiếp giữa luật Đất đai năm 2003 và luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp bồi thường chưa bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi, Bộ TN-MT hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ khác theo thẩm quyền để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
Cử tri tỉnh Ninh Bình cho rằng luật Đất đai năm 2013 còn điểm bất cập, như việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp, giá đất phổ biến trên thị trường, tiến độ giải phóng mặt bằng, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; đề nghị sớm sửa đổi bổ sung luật cho phù hợp với tình hình thực tế
Trả lời, Bộ TN-MT cho biết hiện đang tổng hợp phản ánh từ các địa phương về tình hình thực hiện quy định về giá đất tại Nghị định số 44/2014 để có cơ sở tham mưu Chính phủ hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về giá đất, nhằm đảm bảo nguyên tắc định giá đất quy định tại luật Đất đai.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp bồi thường chưa bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi, Bộ TN-MT hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ khác theo thẩm quyền để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.