Cần làm rõ nguyên nhân của tham nhũng, lợi ích nhóm bao gồm ai
Sáng 3.10, Tổ đại biểu Quốc hội khóa XV (đơn vị 2) gồm bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tại Q.3.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lâm Ngọc Mạnh (ngụ P.12, Q.3) cho biết công tác phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Cử tri kỳ vọng trong tương lai, cơ quan chức năng sẽ xử lý mạnh mẽ, triệt để hơn. Cụ thể, ông Mạnh cho rằng cần làm rõ nguyên nhân của tham nhũng, lợi ích nhóm bao gồm ai và hình thành từ khi nào để nhận diện và loại trừ lợi ích nhóm ra khỏi đời sống xã hội.
"Mọi người bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không "nhẹ trên nặng dưới", xử đúng người đúng tội. Nhưng điều mà cử tri băn khoăn là các vụ án vừa và nhỏ thì giải quyết dứt điểm. Còn những vụ án lớn liên quan đến nhiều cá nhân có chức vụ cao thì xử lý theo "hành chính", nhiều người nói đó vì lý do nhân văn, nhưng như vậy có đúng không, trong khi tham nhũng là nguy cơ đối với Đảng ta, là giặc nội xâm...", ông Mạnh phát biểu.
Một số ý kiến khác tại buổi tiếp xúc cử tri cũng đề cập đến việc tinh gọn bộ máy nhà nước, sắp xếp khu phố, ấp, vấn đề an sinh xã hội tại TP.HCM, vấn nạn khai thác cát ở ĐBSCL.
Đã làm việc về vấn đề nhận diện lợi ích nhóm
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho hay, trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng được xử lý nghiêm và quyết liệt, có nhiều vụ án lớn được đưa vào diện theo dõi của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Ở cấp thành phố, TP.HCM cũng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để theo dõi những vụ án nhất định. Từ đó, việc xử lý nghiêm các vụ án này tạo ra hiệu ứng tích cực đối với dư luận xã hội và đến trách nhiệm thực thi của cán bộ, công chức.
Theo bà Yến, việc xử lý nghiêm này cũng khiến một bộ phận cán bộ có "chùn tay" trong thực thi trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, đó là một bộ phận và với những người có tư tưởng làm sai. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận 14 bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Theo đó, khi cán bộ, công chức xử lý công việc mà trong luật chưa có hoặc chưa phù hợp thì được quyền báo cáo thủ trưởng, cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển cũng thông tin rằng, các cơ quan liên quan, nhà khoa học đã làm việc về vấn đề nhận diện lợi ích nhóm. Phía Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ chủ trì xây dựng quy định về nhận diện, giải pháp, chế tài... về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Bình luận (0)