Ngày 8.7, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 7 tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15; tổ đại biểu HĐND TP.HCM tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 17.
Tham dự có thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM; bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Quận ủy Q.Phú Nhuận; bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM; bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM; bà Đào Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ Q.Gò Vấp; ông Nguyễn Kim Hiếu, Bí thư Đảng ủy P.4, Q.Gò Vấp; ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Phê (cử tri P.14, Q.Gò Vấp) cho biết, vợ ông đã mất gần 2 năm nên ông Phê có nộp đơn xin xác nhận lại tình trạng hôn nhân đến UBND P.14. Sau khi tiếp nhận đơn và tra cứu trên cổng Dịch vụ công Quốc gia, cán bộ hộ tịch của phường cho rằng, trên hệ thống này vẫn còn tên vợ ông trên đó nên không xác nhận cho ông được.
“Tôi có nộp kèm thêm giấy trích lục khai tử của vợ, nhưng cán bộ hộ tịch không chịu. Sau đó, tôi qua Công an P.14 để kiểm tra lại thông tin thì tên vợ tôi vẫn chưa được xóa khỏi hệ thống dịch vụ công, dù đã cấp giấy có xóa tên. Tôi nghĩ quản lý cơ sở dữ liệu dân cư chưa đồng bộ, còn nghẽn điểm nào đó nên gây phiền hà cho dân”, ông Phê ý kiến.
Còn bà Trần Thị Kim Luyến (cử tri P.8, Q.Gò Vấp) cũng có kiến nghị liên quan đến việc quản lý cơ sở dữ liệu dân cư sau khi TP.HCM tổ chức sắp xếp lại khu phố, ấp.
“Sau khi sắp xếp khu phố, hiện không còn chức danh tổ trưởng tổ dân phố nữa, chỉ còn một tổ trưởng khu phố quản lý dân cư của khoảng 500 hộ dân. Tôi được biết bên công an có cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư, vậy tôi kiến nghị nên liên kết dữ liệu này với những người quản lý khu phố để họ quản lý dân cư sát sao hơn. Vì mỗi khi có người chuyển đến, chuyển đi, đăng ký tạm trú, thường trú thì người tổ trưởng khu phố sẽ khó quản lý được”, bà Luyến nói.
Chưa kể, theo bà Luyến, khi cần khảo sát dân cư, người tổ trưởng khu phố cũng có thể không đến hết từng nhà để phát phiếu được. “TP.HCM đang từng bước chuyển đổi số rồi thì việc quản lý cơ sở dữ liệu dân cư cần hiện đại hóa, hướng dẫn cán bộ khu phố có giải pháp hiệu quả hơn. Nếu vẫn còn áp dụng theo cách truyền thống đi gõ cửa từng nhà thì đôi khi các số liệu này sẽ không chính xác, mang tính hình thức”, cử tri này nói.
Tại hội nghị, có 13 lượt ý kiến của cử tri liên quan đến nhiều vấn đề xã hội như quy hoạch, chỉnh trang đô thị; quản lý cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06; vệ sinh môi trường; việc tăng lương từ 1.7 có chênh lệch giữa cán bộ hưu trí và cán bộ đương chức…
Trả lời ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Quận ủy Q.Phú Nhuận ghi nhận các ý kiến của cử tri đã tích cực tham gia đóng góp tại hội nghị chuyên đề, các tọa đàm.
Về vấn đề quản lý cơ sở dữ liệu dân cư theo kiến nghị của cử tri, bà Phương cho hay, sẽ tiếp thu đầy đủ và tiếp tục kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để giải quyết.
Về tăng lương cơ sở, theo bà Phương, TP.HCM cũng có quan điểm tăng lương đi đôi với đảm bảo đời sống của người dân, cố gắng làm sao để bình ổn giá cả thị trường, tránh điệp khúc “tăng lương tăng giá”.
Bình luận (0)