Chiều 20.11, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 1 tiếp xúc cử tri các quận: 1, 3, 4 sau kỳ họp Quốc hội.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Văn Phú, P.Đa Kao, Q.1 nêu: “Vụ Thủ Thiêm của TP.HCM cũng động trời không kém các vụ kiện cáo liên quan đến đất đai, quy hoạch, làm thất thoát nghiêm trọng ngân sách nhà nước. Thậm chí đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ rồi mà bà con Thủ Thiêm vẫn ra khiếu kiện ở Trung ương”. Cử tri Nguyễn Văn Phú cũng đặt câu hỏi khi Quốc hội đã đồng ý cho thành lập TP.Thủ Đức thì những khiếu kiện và sai sót liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm có giải quyết xong ?
|
Thay mặt tổ đại biểu trả lời các ý kiến của cử tri, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nói rằng với trách nhiệm là một lãnh đạo TP.HCM, ông xin lỗi cử tri về chậm xử lý các phần việc tiếp theo của vấn đề Thủ Thiêm. Trước đó, trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 26.6.2020, ông Quang cũng từng nhìn nhận việc xử lý các sai phạm ở Thủ Thiêm còn chậm và xin lỗi cử tri.
Ông Trần Lưu Quang cho biết hồi tháng 10.2020, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã có nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM chỉ đạo UBND TP xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện từng đầu việc.
Thứ nhất, thực hiện đền bù bổ sung cho người dân khu 4,39 ha nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thứ 2 là trả lời dứt khoát với người dân 5 khu phố 3 phường An Khánh, Bình Khánh và Bình An có nằm trong ranh khu đô thị mới thủ thiêm hay không. Ngoài ra, Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu giải quyết các vấn đề khác trong thời gian sớm nhất để tiếp tục kêu gọi đầu tư, từng bước biến nơi đây thành khu đô thị mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Về thời gian thực hiện, ông Quang thông tin các vấn đề liên quan đến khu 4,39 ha thực hiện trong năm 2020, các đầu việc còn lại phải cơ bản hoàn thành trước tháng 6.2021.
|
Về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM, ông Quang thông tin có 3 vấn đề lớn gồm áp dụng cơ chế chính sách đặc thù đã được thể hiện trong Nghị quyết 54 của Quốc hội, không tổ chức HĐND quận, phường, và việc thành lập TP.Thủ Đức. Theo ước tính, việc không tổ chức HĐND cấp quận và phường sẽ tiết kiệm được 1.200 tỉ đồng chi thường xuyên trong 5 năm cùng các chi phí khác cùng trụ sở, nơi làm việc.
“Người dân và doanh nghiệp sẽ thoải mái hơn trong thực hiện các dịch vụ hành chính, nhanh gọn hơn”, ông Quang đánh giá.
Bình luận (0)