Cử tri vẫn lo lắng về dạy học môn tích hợp, Bộ trưởng GD-ĐT nói gì?

18/10/2024 10:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trả lời kiến nghị của cử tri TP.Hải Phòng gửi kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV liên quan đến những lo lắng về việc triển khai dạy học môn tích hợp khoa học tự nhiên.

Cử tri TP.Hải Phòng phản ánh, Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa chú ý đến nguồn lực giáo viên nên khi triển khai nhiều trường học xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học tích hợp như môn khoa học tự nhiên.

Cử tri vẫn lo lắng về dạy học môn tích hợp, Bộ trưởng GD-ĐT nói gì?

- Ảnh 1.

Việc dạy học môn tích hợp trong bối cảnh thiếu giáo viên được đào tạo đạt yêu cầu khiến cử tri lo lắng về chất lượng (ảnh minh họa)

ẢNH: B.Đ

Để khắc phục tình trạng này, một số đơn vị cử giáo viên dạy vật lý, hóa học hoặc sinh học đi học các lớp bồi dưỡng trong thời gian ngắn, được cấp chứng chỉ dạy các môn không được đào tạo trong trường sư phạm, dẫn đến chất lượng giảng dạy không đảm bảo. 

Cử tri kiến nghị Bộ GD-ĐT quan tâm, chỉ đạo khắc phục tình trạng bất cập này, đảm bảo chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo đó, đối với các trường thiếu giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên, đề nghị Bộ GD-ĐT hướng dẫn, cho phép tổ chức dạy song song kiến thức vật lý, hóa học, sinh học trong môn khoa học tự nhiên theo điều kiện của nhà trường thay cho việc dạy theo mạch kiến thức trong sách giáo khoa; chỉ đạo các trường sư phạm trên toàn quốc đào tạo ngay giáo viên dạy tích hợp môn khoa học tự nhiên để có nguồn giáo viên cho các nhà trường.

Trả lời bằng văn bản về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Để thực hiện dạy môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì không thể thay thế toàn bộ giáo viên lý, hóa, sinh, sử, địa mà vẫn phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên này để dạy các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý".

Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý để các địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cử giáo viên tham gia bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cũng theo Bộ trưởng Kim Sơn, việc tổ chức dạy học các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn phân công cho giáo viên các môn học hiện tại. Theo đó, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Khi một môn học có nhiều giáo viên cùng phụ trách theo từng mạch nội dung, nhà trường cần xây dựng thời khóa biểu phù hợp, trong đó không nhất thiết chia đều số tiết/tuần; nếu cần có thể không bố trí dạy môn học đó ở một số tuần (trên cơ sở bảo đảm chương trình theo từng học kỳ) để bảo đảm định mức giờ dạy/tuần của các giáo viên được phân công.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết thêm: "Bộ GD-ĐT cũng đã giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo giáo viên các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý; đồng thời, ban hành thông tư quy định về đào tạo cấp bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên đã mở mã ngành và đang đào tạo giáo viên để dần thay thế cho số giáo viên nghỉ hưu, bổ sung nguồn tuyển dụng cho các địa phương.

Trước đó, tháng 8.2023, tại buổi gặp gỡ trực tuyến với nhà giáo trên toàn quốc, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết việc triển khai tích hợp liên môn là một "điểm mới, điểm khó, điểm nghẽn" khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Căn cứ vào thực tế triển khai, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy học các môn tích hợp bậc THCS. Có thể đây sẽ là điều chỉnh lớn nhưng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.