Cửa biển ở Cà Mau vừa nạo vét tiền tỉ đã bị bồi lấn: Do... khách quan?

09/10/2019 16:58 GMT+7

Cửa biển vừa nạo vét đưa vào sử dụng chỉ sau vài tháng đã bị bồi lấn; tàu thuyền ra vào khu vực này phải thuê phương tiện lai dắt; tàu mắc cạn, bị chìm... khiến người dân ngao ngán.

Cửa biển vừa nạo vét đã bị bồi lấn

Tiếp xúc với PV, ông Lê Duy Đời (ngụ ấp 2, xã Khánh Hội, H.U Minh, Cà Mau) -  người có 7 chiếc tàu đánh bắt, thu mua bức xúc nói: "Đơn vị thi công khi dùng xáng cạp nạo vét đổ qua hai bên mái luồng, gặp sóng biển phần bùn nhão trên mái luồng trôi đi lấp lại vào khoang luồng chỉ còn trơ lại phần đất cứng, vỏ sò, vỏ ốc, cát,… tạo thành các gò cứng trên luồng gây nguy hiểm cho tàu thuyền khi vướng phải và bùn chảy tràn lại nơi vừa nạo vét".

Cửa biển bị bồi lấn, nhiều tàu cá phải neo đâu bên ngoài

Ảnh: Gia Bách

Cũng theo lời ông Đời, chính cửa biển bị bồi lấn khiến tàu thu mua của ông bị mắc cạn chìm vào ngày 3.9 vừa qua gây thiệt hại nhiều tỉ đồng. Hôm đó, tàu thu mua của ông đi từ cửa biển Sông Đốc về đến cửa biển Khánh Hội thì vướng phải luồng cạn sau thi công nạo vét nên chìm, hư hỏng hoàn toàn tài sản.

"Giờ tàu ra vô cửa biển phải thuê tàu kéo, mỗi lần thuê kéo giá từ 1,5 triệu đồng đến trên 2 triệu đồng/lần gây tốn kém. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên trên để có hướng khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì", ông Đời nói.

Còn bà Lâm Thị Hoa (chủ doanh nghiệp Phi Long, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội) nói: "Do cửa biển bị cạn, tàu cá không vào được, phải vào cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau), Xẻo Nhàu (Kiên Giang). Là doanh nghiệp hậu cần nghề cá, đầu tư chi phí cho tàu ra khơi nên khi tàu cá vào nơi nào, tôi  phải đi đến đó thu mua. Đồng thời vì tàu không vào được cửa biển này nên tôi không bán được đá, dầu... gây thất thu cho doanh nghiệp rất lớn trong thời gian qua".

Đội tàu của bà Hoa phải neo ngoài khơi

Ảnh: Gia Bách

Bà Hoa cũng than thêm: "Mà nếu tàu cá vào cửa biển Khánh Hội, phải neo cách cửa biển vài cây số, tôi thuê đò dọc ra tải cá vào, rồi tải dầu, tải nước đá ra cung cấp cho khách hàng. Như thế thì chi phí cũng đội lên rất cao cho doanh nghiệp".

Doanh nghiệp phải thuê đò dọc tải cá thu mua vào bờ

Ảnh: Gia Bách

Ngư phủ Nguyễn Văn Minh nói: "Tôi đi bạn tàu, nhưng khi tàu vào cửa không được, phải neo ở ngoài khơi. Anh em ngư phủ muốn vào đất liền thì đi đò dọc hết 50 ngàn đồng/chuyến. Hay muốn lên bờ mua sắm đồ dùng gì rất bất tiện".

"Hơn tháng qua, cửa biển bị bồi lấn khiến tàu bè vào cửa khó khăn, tàu cá của các tỉnh bạn không vào như trước nên sức mua, bán  bị giảm đi thấy rõ; doanh thu của doanh nghiệp, ngư dân theo đó cũng giảm đi. Bản thân tôi và nhiều doanh nghiệp hậu cần nghề cá, chủ các ghe cào khác ở cửa biển Khánh Hội giờ chỉ biết gồng mình lên chịu", ông Duy Đời nói.

Bị bồi lấn do... yếu tố khách quan

Trước tình hình đó, UBND xã Khánh Hội, UBND H.U Minh đều có báo cáo về việc này đến cấp trên. Mới đây, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau có chuyến khảo sát và báo cáo UBND tỉnh.

Theo đó,  Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau khẳng định cửa biển Khánh Hội bị bồi lấn, khiến tàu cá thường xuyên mắc cạn. 

Cũng theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài tuyến nạo vét cửa biển Khánh Hội là 4,5 km, được nạo vét bằng xáng thổi (theo hồ sơ thiết kế - PV). Tuy nhiên, do điều kiện khách quan (không có bãi chứa), nên đoạn từ Km3+425 đến Km4+500 (đoạn cuối ngoài biển) phải điều chỉnh giải pháp thi công bằng xáng cạp đổ lên xà lan vận chuyển, bóc dỡ vào bãi chứa gần bờ, sau đó dùng xáng thổi đưa vào bãi chứa.

Qua khảo sát thực tế, hầu hết các đoạn đã được nạo vét đều bị bồi lấn trở lại. Riêng đoạn từ Km 2+700 đến Km 3+500 (dài khoảng 800 m từ đồn Biên phòng trở ra biển) là đoạn nghiệm thu sau cùng, nhưng bị bồi lấn rất nhanh, khoảng từ 0,8 - 1,0 m làm ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của tàu, thuyền ra vào cửa, gây bức xúc cho người dân.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nguyên nhân dẫn đến việc cửa biển Khánh Hội bị bồi lấn nhanh, phần lớn là do yếu tố khách quan (chế độ triều, dòng hải lưu, điều kiện địa hình, địa  chất...). Một nguyên nhân khác được đề cập đến là do các phao luồng của dự án đã bị hư hỏng trong đợt bão và áp thấp nhiệt đới vừa qua làm cho ngư dân khó xác định được luồng tuyến. 

Để khắc phục vấn đề trên, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá làm việc ngay với đơn vị thi công và yêu cầu đơn vị này phải đưa thiết bị đến công trình, tổ chức thi công khắc phục toàn bộ các đoạn bị cạn theo sự phản ảnh của người dân trong thời gian sớm nhẩt. Đồng thời, tổ chức sửa chữa, lắp đặt ngay các phao báo luồng đúng theo quy định.

Ngày 9.10, ông Âu Văn Thông, Phó giám đốc Ban quản lý các Cảng cá Cà Mau nói: "Chúng tôi vừa làm việc với đơn vị thi công và đơn vị này cho biết đang đưa trang thiết bị đến cửa biển Khánh Hội để khắc phục những điểm bị bồi lấn".

Trả lời PV về việc thiết kế và nghiệm thu công trình được thực hiện như thế nào khi công trình vừa đưa vào sử dụng lại bị bồi lấn, ông Thông lý giải: "Việc bồi lấn không chỉ ở cửa biển Khánh Hội mà hầu hết đều diễn ra trên các cửa biển ở Cà Mau khi nạo vét bùn, nạo vét sâu, bị sóng gió sạt hai bên xuống. Khi thiết kế thì cũng tiến hành đưa bùn nạo vét đi, còn việc đổ hai bên theo dân nói không chính xác lắm đâu. Đổ hai bên chủ yếu dân bốc rác lên chuyển đi chỗ khác, chắc có rơi rớt gì đó thôi...".

 

Vào năm 2016, cửa biển Khánh Hội được Công ty CP xây dựng Hồng Lâm thi công nạo vét luồng tàu hệ thống phao tiêu báo hiệu và trụ neo tàu (thuộc dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội, do Ban quản lý Cảng cá làm chủ đầu tư). 

Đây là dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội với tổng mức đầu tư hơn 134 tỉ đồng. Trong dự án này có hạng mục rất quan trọng là nạo vét luồng tàu dài 4,5 km, hệ thống phao báo hiệu và trụ neo tàu (gói thầu số 17) với kinh phí trên 33 tỉ đồng. Chiều dài tuyến nạo vét là 4,5 km, rộng luồng là 28 m... và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 12.2018 nhưng đến nay thì bị bồi lấn, tàu thuyền ra vào mắc cạn.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.