Lỗi màn hình trên iPhone 13 Pro, 13 Pro Max và việc thay thế, bảo hành những linh kiện gặp sự cố đang trở thành vấn đề "nóng" kể từ khi nhiều trường hợp xuất hiện sau khi Apple tung bản cập nhật iOS 15.6 cho iPhone. Trong khi "táo khuyết" chưa công bố nguyên nhân, người dùng chỉ có cách duy nhất khắc phục vấn đề là thay màn hình mới cho máy bởi không thể xử lý được sự cố bằng thao tác với phần mềm.
Màn hình iPhone ám màu, lỗi hiển thị có thể "đi chui" dịch vụ bảo hành với giá rẻ hơn |
anh quân |
Hiện tại, giá thay màn hình chính hãng của bộ đôi iPhone 13 Pro lên tới gần 10 triệu đồng. Các model vẫn còn thời hạn bảo hành sẽ được thay thế màn hình mới ở những đơn vị ủy quyền, còn lại sẽ phải chấp nhận phương án dùng màn hình ngoài không rõ chất lượng nếu muốn tiếp tục sử dụng máy.
Trái ngược với cảnh người buôn iPhone đã qua sử dụng e ngại, dừng kinh doanh hoặc thu mua iPhone 13 Pro, Pro Max thì một số đơn vị sửa chữa nhỏ lẻ lại có hứng thú với việc thu mua máy hoặc màn hình lỗi do người dùng bán rẻ lại để "vớt vát" tài chính.
Anh H.Q, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại tại TP.HCM tiết lộ có một phương án với chi phí thấp là "chạy dịch vụ". Bằng cách này, thiết bị vẫn được thay màn hình chính hãng với dịch vụ chuẩn Apple trong khi chi phí người dùng phải bỏ ra rẻ hơn rất nhiều.
Việc "bảo hành chui" theo miêu tả của anh H.Q là quá trình kỹ thuật viên, cửa hàng mua hoặc tiếp nhận máy iPhone 13 Pro series lỗi màn hình, đã hết bảo hành, sau đó lắp linh kiện lỗi sang model còn hạn bảo hành chính hãng Apple. Người nhận sẽ liên hệ với nhân viên trung tâm bảo hành ủy quyền Apple (ASP) tại Việt Nam để máy được thay thế màn hình hoặc linh kiện mới.
Người này cũng cho biết những trường hợp như thế này được gọi là "bảo hành chui". Thợ kỹ thuật hoặc chủ cửa hàng cần có liên hệ với nhân viên trung tâm bảo hành ủy quyền Apple (ASP) mới có thể nhận được màn hình và linh kiện mới.
"Tôi từng thay màn hình một chiếc iPad bị vào nước, đốm hiển thị cho khách thông qua một số mối quen biết với cửa hàng khác. Chi phí hết chưa đến 5 triệu đồng nếu làm 'chui' trong khi số tiền phải bỏ ra khi tự đi bảo hành ở ASP sẽ cao hơn rất nhiều", anh H.Q chia sẻ.
Quy trình sửa chữa iPhone cần đáp ứng các tiêu chuẩn riêng của Apple |
chụp màn hình |
Không chỉ kỹ thuật viên cửa hàng tư nhân tiết lộ về hình thức "bảo hành chui" trên, đại diện một ASP ở Việt Nam cũng xác nhận thông tin, đồng thời giải thích cụ thể hơn về quy trình: "Bên tiếp nhận sẽ lắp linh kiện lỗi vào thân máy còn bảo hành và mang tới điểm bảo hành ủy quyền. Sau quá trình xác minh thiết bị hợp lệ sẽ tiến hành sửa chữa, thay thế phần lỗi và gửi trả lại cho người dùng".
Người này cũng cho biết thêm có "một đội chuyên kết nối của các trạm (dịch vụ)" để hợp thức hóa quy trình bảo hành kể cả trường hợp khó hoặc không được bảo hành "thông qua cách tráo đổi linh kiện và chip chứa thông tin linh kiện". Sau khi sửa xong, người dùng sẽ nhận máy đã khắc phục vấn đề, còn chi tiết lỗi sẽ được hãng giữ lại.
Một chuyên gia công nghệ không đề cập trực tiếp tới thông tin trên, nhưng cho rằng những năm gần đây Apple liên tục thắt chặt quy trình bảo hành sản phẩm tại Việt Nam là có lý do riêng. "Họ thường xuyên thay đổi chính sách với yêu cầu ngặt nghèo hơn trước, ví dụ cần hóa đơn khi mang máy đi bảo hành, từ chối tiếp nhận máy xách tay dù có giấy tờ mua bán tại quốc gia nguồn... Tất cả đều nhằm làm chặt quy trình, cố gắng loại trừ lỗ hổng và thay đổi thói quen tiêu dùng", ông nhận định.
Theo ông, nỗ lực bán hàng để đẩy mạnh doanh số sản phẩm chính hãng của các đại lý ủy quyền (AAR) là chưa đủ mà cần có sự chung sức của cộng đồng người dùng sản phẩm Apple ở Việt Nam để nâng giá trị thị trường trong mắt các nhà lãnh đạo "táo khuyết". "Minh bạch trong câu chuyện bán hàng, cung cấp dịch vụ, bảo hành cũng như thay đổi, nâng cao thói quen tiêu dùng sẽ mang lại giá trị tích cực cho bức tranh thị trường chung", chuyên gia đánh giá.
Bình luận (0)