Cửa hàng xăng dầu 'về đích' với quy định hóa đơn điện tử

02/04/2024 06:34 GMT+7

Tính đến chiều qua (1.4), chỉ còn khoảng chục cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa thể về đích xuất hóa đơn bán lẻ từng lần. Về cơ bản, toàn hệ thống đã hoàn thành kế hoạch.

Chỉ còn 10 cửa hàng ở vùng xa chưa thực hiện

Báo cáo của Tổng cục Thuế ngày 1.4 cho thấy, so với gần 1 tuần trước, số cửa hàng bán lẻ xăng dầu giảm 46 cửa hàng. Số này hiện đã đóng cửa hoặc xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh do điều kiện kinh doanh, địa điểm… không đáp ứng được theo quy định.

Thống kê đến hết ngày 31.3, toàn quốc đã có 15.925/15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ, đạt khoảng 99,94% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Như vậy, còn 10 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 0,06%. Theo quy định, 10 cửa hàng này sẽ phải đóng cửa, nhưng phía cơ quan thuế hiện chưa đưa ra thông tin về phương án xử lý với 10 cửa hàng này.

Cửa hàng xăng dầu 'về đích' với quy định hóa đơn điện tử- Ảnh 1.

Theo cơ quan thuế, 99,94% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đều áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng (ảnh chụp tại một cây xăng ở Khánh Hòa trưa 1.4)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngày 1.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, như thói quen, người dân đổ xăng tại các cửa hàng xăng dầu hầu như không yêu cầu lấy hóa đơn. Tại một cửa hàng xăng dầu ở TX.Diên Khánh (Khánh Hòa), khách vào đổ xăng giờ trưa ngày 1.4, yêu cầu lấy hóa đơn điện tử để về thanh toán. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng báo thời điểm này không có người xuất hóa đơn, đề nghị khách đưa số điện thoại để đầu giờ chiều, cửa hàng sẽ gửi hóa đơn điện tử qua Zalo cho khách hàng. 

Quan sát cho thấy, đa số khách vào đổ xăng không yêu cầu lấy hóa đơn. Tương tự, tại cửa hàng xăng dầu ở H.Định Quán (Đồng Nai), lúc 16 giờ 30, khách vào mua 50.000 đồng xăng, người bán thao tác trên máy POS đặt cạnh cây xăng, xuất in luôn hóa đơn bán hàng khi khách yêu cầu. Chủ cửa hàng cho biết, nếu khách không lấy hóa đơn, dữ liệu hóa đơn từng lần bán sẽ được cập nhật lên phần mềm lưu trữ.

Tại TP.HCM, quan sát hơn 30 phút tại cây xăng Petrolimex trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình) vào giờ tan tầm, có khoảng hơn 10 người vào đổ xăng. Tất cả đều không yêu cầu lấy hóa đơn điện tử. Tuy vậy, trao đổi với Thanh Niên, nhân viên bán hàng tại đây cho hay, nhiều người muốn lấy hóa đơn in, vào trong văn phòng có người in ngay, chỉ mất chưa tới 1 phút. Còn lại, khách muốn lấy hóa đơn điện tử, chỉ cần đưa số điện thoại, cửa hàng sẽ xuất hóa đơn chuyển qua Zalo. 

Bà Dương Thúy Phượng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thắng Lợi (Đồng Nai), cho biết trong thời gian đầu, các thao tác in, xuất hóa đơn, kết nối dữ liệu của nhân viên bán hàng còn rất lúng túng. Tuy vậy, sau 10 ngày, nhân viên đã thao tác thành thục hơn và nhanh hơn rất nhiều. Đổi lại, dữ liệu quản lý của cửa hàng cũng dễ dàng theo dõi hơn.

Bà Phượng chia sẻ: "Việc xuất hóa đơn, in ngay trên máy POS không còn là vấn đề nữa. Cứ mỗi lần khách mua, chúng tôi xuất hóa đơn, lưu ngay trên phần mềm điện tử. Khách không lấy hóa đơn thì không in ra, nhưng vẫn xuất lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử, kết nối chuyển lên cho cơ quan thuế. Hoặc lưu trữ những hóa đơn trong ngày bán, cuối ngày chuyển lên. Theo đó, khi cần, cơ quan thuế có thể tra cứu dữ liệu mà các doanh nghiệp kết nối, xuất hóa đơn chuyển lên. Ngược lại, với các cửa hàng xăng dầu, từ khi cài app xuất hóa đơn này, các dữ liệu hàng tồn, tồn bao nhiêu rất rõ ràng, nên khi cần tra cứu thì nhanh hơn nhiều".

Tuy vậy, trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phần mềm kết nối dữ liệu và xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, in qua máy POS, vẫn chưa hết lo lắng. Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM chia sẻ: Việc đầu tư và áp dụng app xuất hóa đơn điện tử tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã được cơ quan thuế hướng dẫn và đồng ý để doanh nghiệp làm. Tuy nhiên về lâu dài, không rõ các ngành quản lý khác lại yêu cầu đầu tư thêm những thiết bị khác, gây tốn kém, khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hay không. Vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ. Doanh nghiệp muốn tuân thủ pháp luật và yên tâm làm ăn kinh doanh, không muốn hôm nay hay ngày mai bị kiểm tra, yêu cầu này nọ…

Ủng hộ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật

Theo quy định, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Do đó, việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ rằng những gì mà cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nỗ lực thực thi về thực hiện hóa đơn điện tử từng lần bán hàng là rất đáng ghi nhận. Đó là sự nỗ lực lớn, khi có nhiều đơn vị kinh doanh không đóng trên địa bàn thuận lợi, mà ở miền núi, hải đảo, vùng xa… Con số 10 cửa hàng chưa áp dụng kịp cho thấy mức độ cố gắng tuân thủ pháp luật, quy định của doanh nghiệp khá tốt.

Tuy vậy, trước mắt là có phần mềm, có hóa đơn điện tử và kết nối số liệu với ngành thuế, vấn đề chuẩn hóa cần thời gian nữa, nhưng mọi thứ nên dựa trên nguyên tắc càng đơn giản, càng ít gây khó khăn, phiền hà, tốn kém chi phí của doanh nghiệp là càng tốt. Sau thời gian chạy thử nghiệm, các cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, đồng thời đong đếm độ chuẩn xác của giải pháp phần mềm. Nếu thấy tốt thì không cần phải yêu cầu làm thêm gì nữa. Nếu chưa ổn, còn lỗi nhiều, cần có cách điều chỉnh sao đó cho phù hợp.

Chuyên gia này cũng cho rằng, trong việc buộc tất cả cửa hàng xăng dầu bán lẻ phải tuân thủ việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng nhằm bảo đảm chống thất thu thuế chỉ là phần nhỏ. Vấn đề là giúp chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu xăng dầu… "Tất cả các cửa hàng xăng dầu từ miền núi đến miền xuôi, từ vùng sông nước đến đồng bằng đều nói không tiêu thụ xăng dầu có nguồn gốc từ buôn lậu, trốn thuế. Thế nhưng con số từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lít xăng, dầu được cơ quan chức năng phát hiện hầu như mỗi ngày trên biển, trên sông… là dấu hỏi lớn đặt ra của nhà quản lý. Doanh nghiệp nên coi việc áp dụng quản lý hóa đơn điện tử bán lẻ này nhằm mục đích bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đó mới là quan trọng", ông Thịnh cho biết.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, chia sẻ hóa đơn điện tử từng lần bán hàng cho khách hàng là điều kiện bắt buộc trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu không ngoại lệ. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì buộc phải tạm dừng hoạt động, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Các dữ liệu cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã tuân thủ đúng quy định trong triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Đó là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, với các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng internet còn hạn chế, sẽ là thách thức lớn đối với họ. 

Cho dù đã 99,94% doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, song cần nhìn nhận thực tế là việc triển khai chưa thực sự đồng bộ, mỗi nơi làm một kiểu. Thậm chí có không ít doanh nghiệp còn lúng túng, khó khăn khi lựa chọn phần mềm đầu tư… Chi phí hóa đơn đối với hoạt động này cũng cần xem xét lại, một số doanh nghiệp đề xuất đưa chi phí này vào hoạt động bán hàng. Việc doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, duy trì thường xuyên nên được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.