- Hoa ơi! Ra đây mẹ bảo cái này!
Vừa nói bà Hòa vừa rút bàn tay trái giấu trong bụng áo ra một cái túi vải nhung màu đỏ. Bà dúi cái túi nhỏ vào tay Mia, miệng thì thào:
- Mẹ cho con cái này. Đây là của hồi môn của con đấy! Hôm nay bố con đi vắng mẹ mới lấy được. Con cất ngay đi kẻo ông ấy về bắt gặp lại thu mất. Ông ấy mà biết có số vàng này thì lại lao vào cờ bạc đỏ đen hoặc gán nợ hết!
Mia không hiểu đầu đuôi ra sao, cứ há hốc mồm vì ngạc nhiên. Bà Hòa lấm lét nhìn quanh rồi ghé tai Mia, nói như thể kẻ trộm chia của:
- Số vàng này mẹ tích cóp được từ hồi mẹ mới lấy bố con. Mỗi năm mẹ dành dụm mua một chỉ. Mẹ mua giấu bố con nên bây giờ mới còn! Cả nhẫn, dây chuyền, vòng lắc, khuyên tai, tổng cộng là hai cây, con ạ. Mẹ có mỗi mình con nên mẹ cho con hết, chỉ giữ lại đôi hoa tai đang đeo để làm vật kỷ niệm vì nó là món quà cưới của bà ngoại cho mẹ!
Mia mở túi nhung đỏ, bên trong có một sợi dây chuyền chừng năm chỉ, một cái vòng tầm ba chỉ và chục cái nhẫn trơn màu vàng. Mia đưa lên miệng cắn thử. Dẻo, mềm. Mia nhận ra đúng vàng thật chứ không phải vàng mỹ ký. Trong đầu Mia cùng lúc hiện lên bao nhiêu điều hỗn tạp. Cái đứa xấu trong người Mia khuyên nhủ: “Mày cầm lấy cất đi! Số vàng này cả trăm triệu đấy. Ở đây chỉ có mày với bà ấy chẳng ai biết đâu mà lo! Bà ấy lúc nhớ, lúc quên mày sợ gì chứ”? Đứa tốt trong tim Mia thì nói ngược lại: “Mia ơi, đừng lấy! Lấy là có tội đấy! Mia phải nhớ rằng, vì bà ấy nửa điên, nửa tỉnh nên mới nhầm Mia với cái Hoa. Dù việc này không ai biết chăng nữa thì vẫn có trời biết, đất biết, Mia biết”! Đứa xấu vẫn thúc giục: “Mia cứ lấy đi, để bù vào cái tội bà ấy đã nhạo báng gia đình Mia hồi trước, coi đây như một sự bù đắp cho những thiệt hại tinh thần mà bà ấy đã gây ra với bố mẹ Mia và anh Nghĩa”!
Trong khoảnh khắc Mia bỗng nhớ lại ngày hôm ấy. Bầu trời xám xịt, mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến. Những tia chớp lóe lên kèm theo tiếng sấm ùng oàng…
***
Nghe Hoa nói đã nhận lời yêu anh Nghĩa, bà Hòa như nổi cơn điên. Bà túm tóc Hoa kéo xềnh xệch sang nhà ông bà Hạc, láng giềng chung bờ rào, miệng hét thất thanh làm náo loạn cả khu xóm vốn dĩ yên bình:
- Thằng Nghĩa đâu! Ông bà Hạc đâu? Ra đây mau! Ra mà nghe tôi nói! Từ rày tôi cấm cửa không cho người nhà bên ấy sang bên này. Cấm chỉ thằng Nghĩa sang cưa cẩm con Hoa nhà tôi. Con gái tôi là cành vàng lá ngọc, nó phải lấy chồng giàu có, phải ở nơi phố thị chứ không thể lấy một thằng thợ xây nghèo hèn ở cái xó xỉnh quê mùa như nhà ông bà. Nhớ đấy! Đừng có ngõi!
Ảnh minh họa |
shutterstock |
Mọi người chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra thì nghe thấy tiếng gào khóc của Hoa:
- Mẹ! Sao mẹ lại làm thế? Mẹ về đi! Mẹ mà còn nói nữa là con nhảy xuống sông con chết ngay bây giờ!
Hoa ôm ngực khóc tức tưởi, loạng choạng chạy về phía sông Lô.
Bà Hòa chạy theo con, miệng nheo nhéo gọi:
- Hoa ơi! Con ơi! Đứng lại mẹ bảo này! Con đừng có nghĩ dại dột. Mẹ làm tất cả cũng chỉ vì hạnh phúc của con thôi!
Thấy Nghĩa chạy theo Hoa, bà Hòa đay nghiến:
- Thằng kia. Mày hãy rời xa con gái tao ra! Mày hãy nhớ rằng tao không bao giờ chấp nhận một thằng rể làm thợ xây như mày!
Nghĩa đứng khựng lại. Anh thẫn thờ nhìn về bờ trái con sông Lô, nơi Hoa - người yêu của anh - đang chạy về phía ấy. Mia nhìn theo anh Nghĩa - người anh trai cả hiền lành, chăm chỉ mà cô luôn kính trọng. Cô bỗng thấy lòng mình quặn đau. Mia thương anh, thương bố mẹ chỉ vì cảnh nghèo mà bị người ta coi thường! Mia ấm ức khóc không thành tiếng! Mia nghĩ, cũng chỉ vì tai nạn rủi ro của bố nên gia đình cô mới rơi vào cảnh túng thiếu. Mấy năm trước, đang là thợ cả của đội thợ xây nức tiếng hàng tỉnh, ông Hạc bị ngã dàn giáo gãy đốt sống lưng nằm liệt giường cả năm trời, rồi sau đó phải ngồi xe lăn, vì vậy kinh tế gia đình trở nên khánh kiệt! Một mình mẹ cô lo chợ búa, ruộng vườn chỉ đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày. Cũng vì thế anh Nghĩa học xong trung học phổ thông, trúng tuyển vào trường Đại học Nông - lâm nghiệp Thái Nguyên nhưng đành gác lại ước mơ giảng đường để đi làm thợ xây lấy tiền chăm lo cho gia đình, cho Mia có tiền đi học. Bà con dân làng ai cũng thương cảm và luôn giúp đỡ bố mẹ Mia. Riêng bà Hòa cậy nhà mình kinh tế khá giả nhờ có chồng một thời buôn gỗ, sau này chuyển sang buôn bán hàng hóa qua biên giới Việt - Trung, tỏ ý khinh thường ra mặt!
Sau khi bà Hòa gây chuyện ít lâu, Nghĩa xin phép bố mẹ mang sổ bìa đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng để vay tiền đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. Nghĩa bảo, con nghe người ta nói bên Đài Bắc đang cần thợ xây, người có tay nghề vững như con sẽ có thu nhập cao. Con đi vài năm kiếm tiền về làm vốn để xây dựng cơ nghiệp. Mình không thể chịu mãi cảnh nghèo, bố mẹ ạ!
Nghĩa đi chưa được bao lâu thì Hoa cũng bỏ nhà đi biệt tích. Trước khi đi Hoa để lại bức thư cho mẹ, dặn đừng có đi tìm cô! Từ hôm Hoa bỏ đi, bà Hòa ốm liệt giường mất hơn một tuần. Sau trận ốm ấy bà Hòa trở thành người khác hẳn, không còn cái vẻ nanh nọc và thói khinh người như trước. Rồi dần dần bà thành người dở khôn, dở dại, lúc nhớ, lúc quên. Gần đây bệnh tình của bà Hòa trở nên nặng hơn khi bà liên tục nhận nhầm Mia là Hoa, con gái bà. Ngày nào bà cũng tìm cách sang nhà ông bà Hạc để gặp Mia. Mỗi lần gặp bà đều gọi Mia là Hoa. Có lúc bà ôm lấy Mia khóc như mưa khiến cô phát hoảng. Việc bà Hòa nhận nhầm con gái làm cho Mia cảm thấy động lòng, mặc dù việc nhầm lẫn ấy gây cho cô không ít phiền muộn, vì Mia đang phải tập trung ôn tập online để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp lớp Cao đẳng du lịch, lẽ ra đã kết thúc nhưng phải kéo dài thêm vài tháng vì đại dịch Covid -19.
***
Bà Hòa giục Mia:
- Cất đi con! Cất đi kẻo bố con mà biết là hỏng hết chuyện! Đây là số vàng mẹ cho vợ chồng con làm vốn. Hôm cưới con mẹ chưa đưa ngay được, vì sợ bố con biết sẽ thu mất!
- Bác ơi! Cháu là Mia con bố Hạc chứ không phải chị Hoa đâu ạ!
- Mày đừng có trêu mẹ. Chả lẽ tao đẻ ra mày mà không nhận ra sao. Đúng là đồ con gái bất hiếu!
- Cháu không phải chị Hoa thật mà. Bác cầm cái túi này về đi! Cháu giữ mà bị mất thì chẳng có gì để đền cho bác đâu!
Nghe có tiếng nói chuyện ở nhà ngoài, ông Hạc trong buồng hỏi vọng ra:
- Ai hỏi chuyện gì đấy con?
Mia chưa kịp trả lời bố thì bà Hòa lại giục tiếp:
- Này, hình như bố con về rồi đấy. Mẹ vừa nghe thấy tiếng ông ấy. Thôi, con cất cái túi đi. Giờ mẹ phải về nấu cơm, nhá!
Bà Hòa tất tưởi ra về. Mia cầm cái túi nhung đỏ vào buồng cho bố xem. Ông Hạc bảo Mia cất vào tủ, đợi mẹ đi chợ về sẽ bàn xem nên làm thế nào!
Bà Hạc không tin vào mắt mình khi nhìn thấy số vàng lớn ngay trước mặt. Mắt bà từ sáng quắc chuyển sang tối sầm, rồi lại sáng quắc. Lát sau bà hỏi ông:
- Ông tính sao với số vàng này?
Ông hỏi lại:
- Ý bà thế nào?
Bà không trả lời mà quay lại hỏi Mia:
- Con tính sao?
Mia bảo:
- Con muốn nghe ý kiến của bố mẹ trước!
Như để khỏi phải đùn đẩy cho nhau, bà Hạc nói:
- Tôi nghĩ, mình mà lấy cũng chẳng ai biết. Có được số vàng lớn thế này trong tay nhà mình sẽ trả được một nửa số tiền nợ ngân hàng. Và nếu bà Hòa có mất số vàng này thì cũng đáng đời vì cái thói kênh kiệu, khinh người của bà ấy…
Nghe vợ nói đến đây, ông Hạc bỗng nổi cơn ho sặc sụa. Cái Mia mắt chữ a, mồm chữ o! Ông Hạc chưa hết cơn ho đã nghe bà nói tiếp:
- … Nhưng số vàng ấy cũng là mồ hôi, công sức mấy chục năm tích cóp của bà ấy, mình nỡ nào chiếm đoạt! Cái khó bây giờ là ai giữ số vàng này? Nếu mình đem trả mà bà ấy lại đem cho người khác thì liệu có còn không? Mình giữ nhỡ mất thì lấy gì mà đền?
Sau khi ho một trận, ông Hạc ghìm giọng, nói với hai mẹ con:
- Bà nói phải! Theo tôi, đợi đến tối ông chồng bà Hòa về, ta mời ông bà ấy sang đây nói chuyện. Mời cả chú trưởng thôn và chú công an viên. Khi họ có mặt đầy đủ chúng ta sẽ nói rõ chuyện này và trả lại số vàng cho ông bà ấy!
Ông Hạc vừa dứt lời cũng là lúc điện thoại của Mia báo có cuộc gọi zalo từ anh Nghĩa. Mia phấn khởi khoe với anh chuyện túi vàng. Nghe xong anh Nghĩa cười rất to, rồi hỏi lại em gái:
- Thế bố mẹ không còn giận bà Hòa nữa à?
- Chắc cũng hết giận rồi anh ạ. Bây giờ bà ấy bị ngẩn ngơ, nhìn tội lắm!
- Anh tin là nay mai bà ấy sẽ khỏi thôi, vì chị Hoa đang ở gần anh.
- Anh nói sao cơ? Sao chị ấy lại ở gần anh?
- Chị ấy đi theo tiếng gọi của tình yêu mà em! Anh cũng hết giận bà Hòa rồi, vì con rể ai lại đi giận hờn nhạc mẫu, em nhỉ!
- Ôi thật thế ạ? Em vui quá, anh ơi!
Bình luận (0)