Mới đây, Công an TP.HCM thông tin mỗi ngày xảy ra khoảng 10 vụ phạm pháp hình sự như cướp giật, trộm cắp tài sản… đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác giữ gìn tài sản, bởi có trường hợp bị cướp giật nếu không bị mất tài sản cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Một vụ dàn cảnh trộm cắp tài sản trên đường Lê Văn Lương, H.Nhà Bè, TP.HCM, cuối năm 2021 |
CTV |
Đại diện công an cũng chỉ ra thủ đoạn của tội phạm cướp giật và trộm cắp tài sản thường gắn với chủ quan, thiếu sót của người dân như nghe điện thoại, sử dụng đồ trang sức, ví, vòng đeo tay nơi công cộng lộ ra sơ hở. Nhiều gia đình khi ở trong nhà thì tập trung sử dụng điện thoại, không đóng cửa nhà, em nhỏ đứng ngoài cửa cầm đồ vật thì bị cướp giật. Còn trộm cắp xe máy đa phần do người dân chủ quan nghĩ rằng chỉ vào nhà thời gian ngắn nhưng lọt vào tầm ngắm các đối tượng trộm cắp theo dõi, khi chủ xe đi vào nhà thì lấy ngay.
Lời khuyên của công an là không thừa, bởi hơn ai hết, chính chủ tài sản phải có trách nhiệm lớn nhất với chính tài sản của mình, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, thường là thời điểm trộm cướp lộng hành. Nếu không chủ quan, sơ sẩy thì đối tượng trộm cắp sẽ không có cơ hội, và không dám manh động hành sự.
Dù vậy, không ai có thể cảnh giác 100% cả ngày lẫn đêm, quanh năm suốt tháng khi cuộc sống luôn có nhiều tình huống phát sinh. Thế nên, lời khuyên cảnh giác giữ gìn tài sản chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là sự vào cuộc quyết liệt tuần tra, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự của chính ngành công an. Cần thêm nhiều hình thức xử lý cứng rắn, giàu tính răn đe để trộm cắp không dám lộng hành, bởi trên thực tế nhiều kẻ trộm cắp có nhiều tiền án, tiền sự nhưng vẫn chứng nào tật đó, ngựa quen đường cũ, coi trộm cướp là một “nghề”.
Để đón tết bình an, người dân trông chờ vào tinh thần nhiệt huyết, xả thân, chủ động tuần tra, trấn áp tội phạm từ xa, từ sớm chứ không phải khi hậu quả nghiêm trọng mới vào cuộc xử lý.
Bình luận (0)