Cựa mình trong gió - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Nam Phương (Bình Phước)

- Lấy tấm bạt ra phụ má che chuồng gà cái Nhàn ơi.

Vừa chạy từ vườn vô, má Nhàn vừa lẩm bẩm:

- Mưa gì mưa miết, thúi hết đất cát rồi, còn mớ lúa chưa gặt xong, không chừng lần này con Nhàn đi phải chạy xóm trên hỏi mượn mợ Năm mày ít giạ. Trời đất, vô nhà chứ đứng dầm mưa cho bịnh chết hả con?!

Nhàn không nói không rằng lẳng lặng phủ tấm bạt lên cái chuồng gà bằng tầm vông mà ba tự tay đan cả tuần mới xong. Bầy gà con mới nở lông vàng hườm như màu nắng kêu nhiếp nhiếp hốt hoảng, có lẽ đây là lần đầu tiên chúng chứng kiến cảnh mưa gió mù trời, sau này rồi tụi nó sẽ quen với hằng hà những cơn mưa dấm dẳng. Một chú nhóc lọt xuống khe chuồng cuống cuồng kêu mẹ, chắc là gà út rồi, nó nhỏ xíu nhất bầy nên mới lọt xuống đây, cái mỏ màu đỏ tươi ngoác ra sợ hãi, Nhàn thò tay chụp được nó như cầm trúng cục bông gòn má nhét trong gối Nhàn. Một cảm giác nhói lên trong ngực Nhàn, rồi cô cứ đứng như vậy cho nước mưa thấm hết vào người, vào tóc đến lúc run lên thì má la Nhàn giật thót:

- Trời đất, vô nhà chứ đứng dầm mưa cho bịnh chết hả con?!

Cựa mình trong gió - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Nam Phương (Bình Phước) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhàn về nghỉ hè cũng được nửa tháng rồi, mấy bữa trước phụ má với thím Ba cắt lúa, được mươi bữa thì mưa nắng thất thường, má sợ lúa không phơi được sẽ mốc meo rồi nảy mầm hư hết nên còn chừa ngoài ruộng. Mấy hôm nay Nhàn theo thím Ba đi ngắt bông điên điển và hái ngó sen, một ký điên điển bán được mười ngàn, còn ngó sen bán thô cho người ta cũng chừng năm, bảy ngàn một ký. Nhàn mừng vì có việc để làm khỏi nằm chèo queo ở nhà mà nghĩ chuyện không đâu, có điều lội nước mấy bữa cô thấy lưng mỏi nhừ và bụng lại rêm rêm, một cảm giác bất an dậy lên song cô chép miệng mặc kệ, ráng ít bữa rồi tính.

Mâm cơm dọn lên có ba má và Nhàn, thằng Cò đi theo Giang soi ếch lúc trời chập choạng, mưa lâm thâm vầy lạnh chết bỏ mà nó không chịu ở nhà. Thằng Cò đúng là đứa em dễ thương hết biết, từ ngày Nhàn vô đại học thằng Cò trở nên ngoan ngoãn nghe lời, lại chăm học hơn, lần nào Nhàn về chơi nó cũng giành hết việc không cho Nhàn đụng tay, nó nói chị để sức mà học mai mốt còn dùng bàn tay đó để mổ cho bệnh nhân chớ, Nhàn nghe mà muốn rớt nước mắt.

 - Con Nhàn ngày mai có đi bẻ nhãn với thím Ba mày không? 

- Ở đâu lận má? 

- Ở xóm trên chỗ gần nhà mợ Năm mày đó, thím cháu lên trển làm trưa ghé mợ Năm mày ăn cơm.

- Dạ.

Nhàn nhỏ nhẻ gắp miếng cua rang cho vô miệng, cua đồng rang me là món ruột của chị em Nhàn, vị béo béo của nước dừa, vị ngọt của cua và vị chua của me tạo nên món ăn bắt cơm trong những ngày mưa lạnh. Hồi nhỏ chị em Nhàn cứ giành nhau gắp con cua nào có càng to hơn, lúc đó Nhàn đâu biết cua đồng càng nhỏ ăn càng ngon. Má bưng lên một nồi lớn nghi ngút khói:

- Có cháo cá chép nè, hồi trưa thằng Giang nó đặt ống được đem qua, cá chép nấu cả bụng vầy ăn bổ phải biết.  

Mùi cháo cá bốc lên thơm nức lại khiến cho ruột gan của Nhàn như lộn tùng phèo, một cảm giác nôn nao khó chịu chạy xộc từ bao tử lên khiến cô muốn ói. Nhàn nhăn mặt bụm miệng bưng chén cơm đi chỗ khác, cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, Nhàn nói chắc lúc chiều mắc mưa nên giờ thấy trong người ớn lạnh rồi cô bỏ chén đi lên nhà trên, còn nghe loáng thoáng tiếng má nói chắc mai phải qua thầy Sáu hốt cho Nhàn mớ thuốc bổ, chắc dạo này học dữ nên thấy Nhàn xanh xao quá.

Có tiếng chó sủa rộn ngoài sân, chắc thằng Cò với Giang đi soi ếch về, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng thằng Cò lanh lảnh:

- Được hẳn mười con nhe má, mai tha hồ nấu cháo cho chị Hai ăn.  

Má kêu hai người vô ăn cháo cá cho nóng, thằng Cò xuýt xoa như chừng lâu lắm rồi nó không được ăn cháo cá vậy. Còn Giang sao cứ thấy im lặng mỉm cười, cái cười hiền như thiên sứ vậy. Giang là con của cô Tám Thanh cách nhà Nhàn chừng mươi ngõ, ba Giang mất hồi Giang mới học lớp năm, cô Tám ở vậy nuôi Giang tới giờ. Hồi nhỏ Nhàn hay qua nhà Giang chơi, cả thằng Cò cũng thích qua đó, nhà Giang có vườn cây trái đủ loại, có lần Nhàn suýt chết đuối dưới cái ao trước nhà Giang. Nhàn mê mấy chùm sung đỏ mọng nhoài ra mặt ao nên trượt chân té ùm, may sao Giang nghe tiếng kêu mà ra vớt Nhàn lên, tới giờ thỉnh thoảng má còn nhắc con Nhàn còn nợ thằng Giang một mạng đó nha.

Tuổi thơ vậy mà trôi nhanh chớp mắt, thời gian cứ cắm đầu mải miết chạy, con người ta cũng vậy rồi lớn lên tự lúc nào không biết. Nhàn lớn lên từ ngày Giang nắm tay Nhàn nhảy qua con mương khiến mặt Nhàn nóng ran như lửa, còn Giang, Giang lớn lên tự lúc nào vậy kìa?

- Ngày mai con lên nói với mợ Năm má dặn để cho má mượn chục giạ lúa nghe Nhàn.

- Dạ.

Buổi tối ở miền quê thiệt là yên tĩnh, thằng Cò ăn xong lại theo Giang qua nhà học thổi sáo, má ngồi bỏm bẻm nhai trầu nhắc chuyện trời mưa miết, ba thì kéo thuốc lào sòng sọc, Nhàn ước gì cô cứ được sống mãi trong khung cảnh yên bình này thì tốt biết mấy. Thỉnh thoảng má lại nhổ nước trầu cái phẹt rồi quẹt môi, Nhàn thấy tức cười khi nghĩ đến hình ảnh những cụ già miền Bắc rồi so sánh với má, mà cũng lạ, má mới chừng năm mươi chứ mấy mà đã bỏm bẻm nhai trầu cả chục năm nay, thời này còn mấy ai ưa cái vị vôi nồng nồng và cái màu nước đỏ quạch khó phai đó nữa.

 - Thôi con Nhàn ngủ sớm mai còn đi.

Lúc Nhàn về nghỉ hè, má không cho cô động tay vô việc gì, nói cứ nghỉ dưỡng sức cho khỏe, nhưng Nhàn xin má có việc gì cho Nhàn làm phụ, đi làm mướn cũng được, vô học Nhàn còn phải học thêm nhiều thứ, má tin liền nên cho Nhàn theo thím Ba tìm việc.

Lâu lắm rồi Nhàn mới được nghe mùi nhãn vườn thơm nức mũi như vầy, trên Sài Gòn người ta bán nhãn ê hề nhưng Nhàn không ngửi được mùi thơm vì trái nhãn khi đến tay người dùng đã trải qua bao nhiêu công đoạn, đóng mở trong hộp biết nhiêu lần, mùi thơm bay mất cũng đúng.

Người ta không tính công nhật mà tính theo ký, ai bẻ được bao nhiêu cân ký tính tiền bấy nhiêu, bữa nay thím Ba rủ thêm cả Giang cùng đi, thím Ba nói để Giang nó mạnh tay mạnh chân mới trèo cây nhãn được. Nhãn ở quê Nhàn cây nào cũng cao chót vót và sum suê cành lá, chùm nào chùm nấy cả ký chứ không ít, Giang leo cây bẻ trái thoăn thoắt, Nhàn với thím Ba tuốt lá mệt nghỉ. Hôm nay Nhàn mới có dịp nhìn Giang thiệt kỹ, nước da Giang đã chuyển qua màu nâu từ lúc nào, bắp tay chắc khỏe vạm vỡ của một người đàn ông trưởng thành, mà cũng đúng, kể từ ngày mắt cô Tám mờ dần Giang đã trở thành người đàn ông trụ cột của gia đình còn gì. Ngày Giang quyết định không thi đại học, cô Tám khóc hết nước mắt, trách mình thì ít thương con nhiều hơn, nếu như Giang tiếp tục đi học thì cô Tám ở nhà biết cậy vô ai?! Lúc đó Nhàn cũng thấy thương Giang nhiều lắm, thương cho giấc mơ kiến trúc của Giang đành dang dở. Vậy mà Giang cũng quên nhanh không nhắc tới chuyện học hành nữa, chỉ chuyên tâm đi làm lo cho cô Tám, hay là Giang đã cất nỗi buồn vô đáy rương cùng những cuốn sách lưu giữ một thời kỷ niệm?!

 - Nhãn quê mình ngọt hén Nhàn? 

- Ờ, mà thơm nữa.

- Tui mới trồng cây nhãn xuồng năm rồi, hè sau Nhàn về là có nhãn bói ăn rồi đó.

Tới bây giờ Giang vẫn còn nghĩ cho Nhàn, kể từ ngày Nhàn trả lại lá thư ướp đầy hương bưởi của Giang, cô nghĩ chắc Giang giận mình lắm rồi cũng quên mình thôi. Vậy mà đã ba năm Nhàn lên Sài Gòn, Giang vẫn lui tới nhà thường xuyên, có lần má nói thằng Giang có ý chờ con, cái thằng hiền lành giỏi giang dễ sợ, Nhàn chỉ ậm ờ, Nhàn đâu thể nói cho má biết Nhàn đã có người yêu trên Sài Gòn, con trai thành thị trắng như trứng gà bóc mà thiệt lãng mạn, Nhàn phải lòng người ta cũng đâu có gì là lạ. Gió sông thổi lồng vô tóc Nhàn mùi nhãn chín nghe thiệt đượm, Nhàn lại nghe trong bụng mình cục cựa như có con gì bò nhột nhột.

Trời hôm nay thiệt lạ, không mưa móc sậm sụt nữa mà lại có trăng mới lạ, thằng Cò vác cây sáo ra sân thổi te te nghe thật tức cười, má trải tấm chiếu cói ra hè kêu Nhàn ra ngồi cho mát, nằm gác đầu lên đùi má Nhàn thấy bình yên lạ, tình mẫu tử mới thiêng liêng làm sao, vậy mà Nhàn đang tính tới một quyết định thiệt là tàn nhẫn.

 - Em bỏ đi chứ giờ đâu cưới được, còn đi học với lại chưa chắc gì ba má anh chịu cưới con dâu dưới quê đâu.

Câu nói như con dao nhọn của Hải xoáy vào tim Nhàn nghe nhức buốt, tình yêu đầu đời Nhàn đã trao nhầm cho một người không xứng đáng. Nhàn tính lần này về nghỉ hè kiếm thêm ít tiền lên Sài Gòn để bỏ cái thai, Nhàn không muốn ba má muối mặt vì đứa con gái như mình, mà không hiểu sao cái thai cũng khỏe không quậy Nhàn chút nào mặc dù bị Nhàn bó trong tấm khăn cả ngày. Nhàn ăn ngủ bình thường để ba má khỏi lo. Mấy hôm nay không hiểu sao Nhàn thèm ăn khế chua quá chừng mà không dám nói, mới nghĩ tới trái khế Nhàn nghe trong mình giật thột, cái bụng Nhàn dưới làn áo mỏng nhấp nhô, đã tháng thứ tư rồi còn gì, chắc con Nhàn đã bắt đầu biết đạp, cô thẫn thờ nghĩ đến sinh linh bé nhỏ đang lớn dần trong bụng.

 - Cây khế chua nhà Giang dạo này có trái không? 

- Nhiều lắm, trái bự chảng à mà có ai ăn, chua loét hà, đến con chim còn không thèm ngó - Giang cười hì hì - Ủa mà Nhàn muốn ăn hả, chiều tui hái đem qua.

- Thôi khỏi, chiều Nhàn ghé xin ít về má nấu canh chua.

Nhàn ăn hết bốn trái khế chua một lượt, nói lâu quá không được ăn, Giang nói chắc Nhàn bị thiếu vitamin C. Vậy mà mấy ngày sau Nhàn qua nữa, lần này hẳn năm trái xong còn bọc đem về, Giang còn dặn chừng nào muốn ăn qua Giang hái cho. Cô Tám thì không dễ tin như Giang, cô nhìn Nhàn rồi lắc đầu, mặc dù mắt cô Tám đã mờ dần nhưng có lẽ linh cảm của người phụ nữ đã từng sinh nở thì không thể nào sai được.

 - Nhắm chừng con Nhàn nó đang nghén Giang ơi. 

Giang há hốc miệng với lời khẳng định của má:

- Trời đất, má nói gì kỳ, chắc cổ thiếu chất thèm ăn vậy thôi, để bác Tư nghe được mất tình làng xóm nhe má.

Cô Tám không nói với ai thiệt, nhưng rồi má Nhàn cũng phát hiện ra sự khác lạ của Nhàn, má chờ buổi tối Nhàn leo lên giường thì ôm ngang bụng cô, thấy cái bụng đúng là lùm lùm thiệt. Nước mắt má ngắn dài làm Nhàn thương đứt ruột, rồi Nhàn cũng kể cho má nghe tất cả, kể cả dự định bỏ cái thai của mình, má càng khóc dữ, nói làm vậy thất đức quá, rồi Nhàn cũng khóc.

Mấy ngày sau nhà Nhàn như có đám, mặt ai cũng dàu dàu còn hơn lúc trời mưa không phơi được lúa. Giang ghé chơi thấy điều gì bất ổn, kéo thằng Cò ra gốc ổi thì thào, thằng Cò đúng là đứa thật thà, Giang hỏi đến đâu nó khai đến đó. Mặt Giang biến sắc khi nghe Nhàn muốn bỏ đứa nhỏ. Giang lật đật về nằm gác tay lên trán, nghĩ lung lắm, rồi Giang liều nói chuyện với má qua hỏi cưới Nhàn, chứ để Nhàn lỡ làng việc học sao Giang thấy không đành. Cô Tám không phản đối cũng không ra đồng tình, chỉ nói một câu: "Tùy con, có điều, nuôi con người ta không dễ nghe con".

Đám cưới diễn ra nhanh hơn Nhàn tưởng, vì còn non tháng nữa Nhàn đã phải lên trường, giấu làm sao được cái bụng bầu năm tháng. Nhàn không buồn cũng không hẳn vui, chỉ thấy thương Giang quá chừng, Nhàn đâu có đáng để Giang hy sinh cả đời như vậy. Giang nói:

- Tui thương Nhàn nên thương luôn con của Nhàn, Nhàn cứ yên tâm học hành, tui hứa không để Nhàn hối hận khi lấy tui.  

Nước mắt Nhàn lăn dài trên má, không biết nên buồn hay vui, sự bồng bột của Nhàn lại vô tình đem đến cho cô một người chồng hiền lương đến vậy. Hôm rước dâu là một ngày gió lộng, đi qua triền đê nghe gió táp vô mặt vị phù sa mặn chát, bất giác Nhàn nghe thấy đứa nhỏ trong bụng mình đạp mạnh.

Cựa mình trong gió - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Nam Phương (Bình Phước) - Ảnh 2.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.