Cục Bảo vệ thực vật nói gì về sâu đầu đen hại dừa phun thuốc không chết?

24/03/2021 19:27 GMT+7

Sâu đầu đen hại dừa đang xuất hiện tại tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng, người dân đã sử dụng nhiều hoạt chất trừ sâu nhưng không hiệu quả.

Liên quan đến dịch sâu đầu đen hại dừa ở các tỉnh phía nam, chiều 24.3, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã có thông tin về một số giải pháp ứng phó ngăn chặn loài sâu này lây lan diện rộng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sâu đầu đen hại dừa được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 7.2020 tại ấp Giồng Tre (xã Phú Long, H.Bình Đại, Bến Tre) trên diện tích 2 ha. Sau đó, loài sâu này được phát hiện ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, TP.Bến Tre và Chợ Lách.
Thống kê từ các địa phương, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen là 148 ha, trong đó Bến Tre bị nhiễm 146,8 ha và Sóc Trăng mới nhiễm 1,2 ha, như vậy tốc độ lây lan là khá chậm so với các sâu bệnh khác.
Cụ thể, tại Bến Tre, sâu đầu đen được ghi nhận ở một số vườn dừa từ 15 - 20 năm tuổi. Sâu ăn mặt bên trong của biểu bì lá, thải phân ra ngoài, được kết dính bởi sợi tơ bao bọc cơ thể ở bên trong. Sâu tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên, rồi tấn công vỏ trái. Sâu hóa nhộng trong các lá chét, nhộng hóa thành bướm và bay đi.
Qua khảo sát của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam (thuộc Cục Bảo vệ thực vật), sâu đầu đen hại dừa giống với loài gây hại ở Thái Lan có tên gọi là bướm sâu đầu đen (Black Headed Caterpillar), tên khoa học là Opisina arenosella (họ Oecophoridae, bộ Lepidoptera). Khi cây dừa bị nhiễm nặng, nông dân phải đốn cây tiêu hủy.

Phải thử nghiệm thuốc trừ sâu mới

Cũng theo thông tin từ địa phương, nông dân đã sử dụng một số loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học như Bacillus thuringiensis, Metarrhizium sp. Nhưng sau khi phun, tỷ lệ sâu chết ít. Còn một số thuốc hóa học như Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethrin, Alpha-cypermethrin thì có hiệu quả cao. Nhưng thuốc bảo vệ thực vật hóa học không áp dụng được ở các vườn dừa hữu cơ và ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả thấp có khả năng do phun chưa theo kỹ thuật “4 đúng”. Cụ thể là phun khi sâu tuổi đã lớn, hiệu quả sẽ thấp. Bên cạnh đó, phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây dừa cao 15 - 20 m rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực của thuốc.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị, các địa phương cần khuyến cáo người dân tăng cường kiểm tra dừa, nếu phát hiện sâu đầu đen hay nhộng thì chặt cành đem ngâm nước hoặc đốt. Các địa phương cần điều tra, khoanh vùng diện tích nhiễm sâu để áp dụng các biện pháp phòng trừ sớm khi còn diện hẹp.
Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam và Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đang tích cực phối hợp với một số doanh nghiệp khảo sát nhanh và thử nghiệm một số thuốc bảo vệ thực vật mới có thể phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với tỉnh Bến Tre, Trường đại học Nông lâm TP.HCM thúc đẩy các nghiên cứu nhanh tìm biện pháp kiểm soát loài sâu hại này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.