Ngày 6 và 13.12 sẽ diễn ra 2 vòng của kỳ bầu cử hội đồng vùng tại Pháp với ưu thế đang nghiêng về đảng cực hữu Mặt trận dân tộc.
Một cuộc tập hợp của những người ủng hộ đảng Mặt trận dân tộc ở Pháp - Ảnh: AFP |
Thăm dò vừa công bố của Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc Trường Sciences Po (Cevipof) cho thấy đảng Mặt trận dân tộc (FN) của bà Marine Le Pen dẫn đầu số phiếu ở vòng 1 tại 6/13 vùng của Pháp (không tính vùng lãnh thổ hải ngoại): vùng Nord Pas de Calais Picardie (hơn 15 điểm so với đảng xếp thứ 2), Languedoc Roussillon Midi Pyrénées (hơn 11 điểm), PACA (hơn 10 điểm), Bourgogne Franche Comté (hơn 8 điểm), Alsace Champagne Ardenne Lorraine (hơn 6 điểm), Centre Val de Loire (hơn 2 điểm).
Tại vùng Normandie, FN là một trong 3 đảng đạt tỷ lệ ủng hộ cao nhất. Lấy trung bình toàn nước Pháp, hiện FN cũng xếp ở vị trí cao nhất với 30% số phiếu, vượt qua đảng Người cộng hòa (LR) cánh hữu của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Trọng tâm an ninh
Có thể nhận thấy, vụ tấn công liên hoàn tại Paris vào ngày 13.11 đã làm thay đổi đáng kể cục diện của kỳ bầu cử hội đồng vùng tại Pháp. Vì trước đó, đảng được dự đoán sẽ thắng lớn với số điểm rất cao trong các cuộc thăm dò là LR. Trao đổi với Thanh Niên, nhà báo Emmanuel Galiero, chuyên gia về FN của tờ Le Figaro, nhận định: “Vụ tấn công đã làm người Pháp đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, vốn luôn là chủ đề trọng tâm và là thế mạnh trong các chiến dịch tranh cử của FN. Kế đó, sau ngày 13.11, nhiều phản ứng, quyết định và phát biểu của Tổng thống François Hollande lại khá tương đồng với một số luận điểm mà đảng này đề xuất từ rất lâu: tăng cường kiểm soát biên giới, phối hợp với Nga để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)…”.
Ngoài ra, từ nhiều tháng qua, khủng hoảng di dân tại châu Âu cũng làm không ít người Pháp cảm thấy hoang mang trước làn sóng người nhập cư bất hợp pháp ngày càng đông đảo. Đáng chú ý, điều tra cho thấy 2 trong số 3 tên khủng bố liều chết tại khu ngoại ô Saint-Denis của Paris vào ngày 13.11 đã trà trộn cùng người tị nạn Trung Đông để đến Pháp. Điều này cũng “tình cờ” trùng khớp với quan điểm lâu nay của FN: đóng cửa biên giới để kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư.
Chiến lược hiệu quả
Kể từ khi bà Marine Le Pen thay thế cha là ông Jean-Marie Le Pen trở thành chủ tịch FN vào năm 2011, đảng này vẫn giữ những nét “không lẫn vào đâu được” của một đảng cực hữu khi tiếp tục có những nhận định mang tính bài ngoại, kỳ thị Hồi giáo, đả kích khối EU... Tuy nhiên, theo ông Galiero, bà Le Pen đã lập ra một chiến lược lâu dài để người Pháp dễ chấp nhận đảng FN hơn.Phát biểu của các thành viên đảng này trở nên khéo léo hơn, ngôn từ được sử dụng một cách chọn lọc hơn. Và bà Le Pen không ngại đối đầu nảy lửa với cha khi ông Jean-Marie Le Pen vẫn đưa ra những phát biểu rất cứng rắn như cho rằng phòng hơi ngạt trong Thế chiến 2 “chỉ là một chi tiết của lịch sử”, hoặc chỉ trích gốc gác là người Tây Ban Nha nhập cư của Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Đỉnh điểm của đối đầu là hồi tháng 8, ông Le Pen đã bị khai trừ khỏi FN, đảng do ông đồng sáng lập vào năm 1972.
|
Chiến lược nói trên tỏ ra rất thành công khi tỷ lệ ủng hộ đảng của bà Le Pen không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Cụ thể, vào kỳ bầu cử năm 2014, đảng FN đã giành được 10 ghế thị trưởng, trong đó có 1 ghế giành được ngay từ vòng đầu tiên.
Yếu tố thời cơ
Theo nhà báo Galiero, kỳ bầu cử hội đồng vùng vào ngày 6 và 13.12 sẽ thật sự là phép thử về mức độ ảnh hưởng của đảng cực hữu tại Pháp. Trong một số kỳ bầu cử địa phương trước đây, tuy nhận được số điểm rất cao trong thăm dò, thậm chí dẫn đầu ở vòng 1 nhưng kết quả sau cùng, FN lại rất ít khi chiếm thế đa số nên chỉ được “chia” một số ghế trong chính quyền chứ không giành được nhiều ghế thị trưởng hay tỉnh trưởng. Nguyên nhân là sau vòng 1, các đảng khác thường lập liên minh để qua mặt đảng cực hữu ở vòng quyết định. Tuy nhiên, tại kỳ bầu cử hội đồng vùng, ông Sarkozy hiện vẫn kiên quyết không chịu lập liên minh với đảng Xã hội (PS) cánh tả trong trường hợp phải “đấu tay ba” với FN ở vòng 2. Và như thế, có khả năng rất lớn là lần đầu tiên trong lịch sử, đảng cực hữu nắm quyền tại một vùng của Pháp. Các chuyên gia về thăm dò đánh giá FN có thể thắng không chỉ 1 mà đến 3 vùng.
Đáng chú ý là từ cuối năm 2014, Pháp đã thực hiện cải cách để gom một số vùng lại với nhau, giảm số lượng vùng từ 22 còn 13 (vùng lãnh thổ hải ngoại không thay đổi). Do đó, quy mô của mỗi vùng hầu hết đều tăng lên về mọi mặt, từ dân số, kinh tế đến diện tích… Chỉ cần giành được ít nhất 1 vùng thì uy tín của đảng FN chắc chắn sẽ được nâng lên đáng kể. Đây là nền tảng để thực hiện các mục tiêu tiếp theo của bà Le Pen: đưa đảng cực hữu thành nhánh thứ 3 trong bản đồ chính trị của Pháp, thay cho thế song cực tả - hữu truyền thống; trở thành ứng viên sáng giá vào vòng 2 kỳ bầu cử tổng thống năm 2017.
Sự bứt phá mạnh mẽ của đảng cực hữu kể từ sau vụ tấn công ngày 13.11 đã làm 2 đảng lớn nhất của Pháp là LR và PS rơi vào thế bị động khi các tính toán đều bị “việt vị”. Chẳng hạn, thăm dò trước đó cho thấy đảng LR có thể giành đến 8/13 vùng. Một chiến thắng thuyết phục như thế sẽ là lợi thế cực kỳ quan trọng để cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chinh phục lại Điện Élysée vào năm 2017. Tuy nhiên, khả năng chiến thắng của LR hiện đã bị rút gọn đáng kể, chỉ còn 5 hoặc 6 vùng.
Theo thăm dò vừa công bố của Cevipof, FN hiện là đảng có khả năng “giữ chân” cử tri cao nhất: 94% số cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen vào kỳ bầu cử tổng thống năm 2012 cho biết sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho FN vào kỳ bầu cử hội đồng vùng; tỷ lệ này ở LR và PS lần lượt là 71% và 73%.
Bình luận (0)