Trao đổi với Thanh Niên ngày 9.4, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến dự án mở đường Trường Sơn Đông, do Ban Quản lý dự án 46 thuộc Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng triển khai có tác động đến rừng đặc rụng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng).
Khu vực rừng đặc rụng ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) bị chặt phá, san ủi để làm đường |
CTV |
Theo ông Hiệu, ngay sau khi nhận được thông tin phán ánh về việc thi công đường tác động đến rừng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Cục Kiểm lâm đã tham mưu Tổng Cục Lâm nghiệp có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo ngày 11.3 của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, diện tích rừng bị tác động trong dự án làm đường là 2,73 ha, đây là rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, ngoài ra còn có diện tích rừng đã thu hồi và giao cho dự án.
Ông Nguyễn Quốc Hiệu cũng cho biết, qua kiểm tra, xác minh của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho thấy, việc Ban Quản lý dự án 46 thi công thực hiện dự án đường Trường Sơn Đông tác động đến rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng là chưa đúng quy định của pháp luật.
“Trong vụ việc này, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Hiệu nói.
Trước đó, ngày 17.2, Báo Thanh Niên phản ánh về vụ việc tự ý phá rừng đặc rụng để làm đường ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, thì Ban Quản lý dự án 46 tự ý mở đường Trường Sơn Đông có đoạn đi qua Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Qua kiểm tra hiện trường, vị trí mở đường thuộc một phần các tiểu khu 22, 26, địa giới hành chính xã Đưng K’Nớ (H.Lạc Dương, Lâm Đồng), lâm phần thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tổng chiều dài tuyến đường đã mở 3.321 m, bề rộng đường trung bình khoảng 4 m. Ngoài ra, còn 2 vị trí san ủi khác (làm mố cầu, làm đường) với tổng diện tích 8.300 m2.
Ở thời điểm cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra, hiện trường đã bị đào bới, san lấp, rà sửa và đã hình thành tuyến đường (ô tô có thể đi được) với mức độ thiệt hại về rừng là 100%.
Bình luận (0)