Chiều 27.11, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ - TB - XH) đã trả lời báo chí về những vụ việc bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây. Liên quan đến vụ việc hành hạ trẻ em tại Trường mầm non tư thục Mầm Xanh ở phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM), ông Nam cho hay, phía cơ quan công an đang thu thập chứng cứ để có thể truy tố trước pháp luật. Lãnh đạo ngành giáo dục địa phương thông báo rút giấy phép hoạt động của trường này, đồng thời chuyển 36 em đang theo học tại đây đến các cơ sở mầm non công lập.
“Chúng tôi cho rằng, tiêu chuẩn để thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ em nói chung và các cơ sở mần non nói riêng cần được quy định chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt đảm bảo sự kiểm soát của tất cả các bên, của cơ quan quản lý, cha mẹ học sinh và cơ sở giáo dục… đối với việc chăm sóc các em trong các cơ sở giáo dục. Hiện nay, nhiều trường mầm non công khai lắp đặt camera và bố mẹ hoàn toàn kiểm tra việc chăm sóc trẻ em bất kỳ lúc nào. Đây là biện pháp tốt mà không quá đắt đỏ để hạn chế, mang tính chất phòng ngừa đối với hành vi xâm hại trẻ em”, ông Hoa nói.
Trả lời câu hỏi vì sao các vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, phải chăng do việc xử lý hành vi này còn quá nhẹ tay?, ông Nam cho rằng, pháp luật Việt Nam, đặc biệt là bộ luật Hình sự, đủ độ nghiêm minh khi quy định các hành vi xâm hại trẻ em là những hành vi luôn bị áp vào những khung hình phạt cao, càng xâm hại trẻ em nhỏ tuổi tình tiết tăng nặng càng cao.
Ông Nam khẳng định Bộ LĐ - TB - XH sẽ phối hợp với các cơ quan pháp luật trong việc thu thập chứng cứ để xử lý nghiêm những người bạo hành trẻ em trước pháp luật. Bên cạnh đó, ngành LĐ - TB - XH cần phản ứng nhanh và kịp thời việc bảo vệ nạn nhân. "Tôi muốn nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa, chúng ta cần chú ý giáo dục pháp luật, từ những trường hợp cụ thể để giáo dục có tính chất răn đe những người có ý định, có những hành vi xâm hại trẻ em phải chùn tay, không dám thực hiện. Ngoài ra, chúng ta cũng phải giáo dục kỹ năng cho các bậc cha mẹ, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho đội ngũ giáo viên”, ông Nam nói.
tin liên quan
Lấy lời khai bảo mẫu bạo hành trẻ ở Sài Gòn gây chấn độngTrưa ngày 27.11.2017, công an đang lấy lời khai của bà Phạm Thị Mỹ Linh, 43 tuổi, chủ trường mầm non tư thục Mầm Xanh tại đường HT3, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM.
Lãnh đạo Cục Trẻ em cũng khuyến nghị, Bộ GD-ĐT triển khai ngay các biện pháp tư vấn và tham vấn học đường, phối hợp với mạng lưới công tác xã hội, với các chuyên gia trị liệu tâm lý, kịp thời xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Theo ông Nam, hệ thống tham vấn học đường không chỉ giải quyết vấn đề bạo lực, tâm lý của học sinh mà còn giải quyết vấn đề tâm lý của giáo viên trước khi bước lên bục giảng, bước vào lớp học phải loại bỏ những bức xúc, áp lực của gia đình, của cuộc sống thường ngày để thực thi nhiệm vụ cao quý của người giáo viên dạy tri thức, dạy các em làm người.
Để hạn chế các vụ bạo hành trẻ em, theo ông Nam, giải pháp hiệu quả nhất là các ngành, các địa phương cần triển khai có hiệu quả luật Trẻ em. Các địa phương cần phải bố trí đầy đủ các nguồn lực, bao gồm ngân sách và nhân lực để đảm bảo vấn đề phòng ngừa, giải quyết và xử lý những vụ việc xâm hại trẻ em. Khi có thông tin, thông báo tố giác xâm hại trẻ em, nếu địa phương chậm trễ, không vào cuộc xử lý dứt điểm thì Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh.
Bình luận (0)