Cúi đầu cảm ơn: tưởng dễ nhưng không dễ

06/06/2018 18:36 GMT+7

Hình ảnh những cô cậu học trò cúi chào bác bảo vệ hay cúi đầu cảm ơn khi tài xế dừng xe nhường đường được đăng tải trên các trang mạng gần đây đã khiến người xem không khỏi xúc động.

Những điều tưởng chừng rất nhỏ

Trong clip được đăng tải trên mạng mới đây, học trò Trường THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM) bước từ cổng trường sang đường để lên xe buýt, đều cúi đầu cảm ơn những tài xế đã dừng xe nhường đường. Không chỉ vậy, trước khi bước lên xe buýt, những cô cậu học trò này cũng không quên cúi đầu chào bác tài xế.

Học sinh chào bác tài xế trước khi lên xe C.K

Trước đó, clip ghi lại cảnh học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ cũng khiến nhiều người xem khen ngợi.

Bà Trần Mỹ Hạnh, phụ huynh có con học Trường THPT Trần Phú (TP.HCM) cho biết: “Việc đồng loạt học sinh cùng biết thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã làm cho mình một việc gì đó, dù rất nhỏ, chứng tỏ các em được gia đình và nhà trường dạy dỗ tốt. Tôi vẫn dạy con mình phải biết cảm ơn, xin lỗi và tôi tin trường học của cháu cũng dạy cháu những điều đó, nhưng khi bắt gặp hình ảnh này, tôi vẫn cảm thấy đáng học hỏi”.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Thiện Lý, cho biết: “Từ nhiều năm nay, các em học sinh của trường đã làm việc đó, mặc dù không phải là tất cả các em đều làm được. Hành vi ứng xử này thuộc 1 trong 6 giá trị cốt lõi mà chúng tôi hằng ngày vẫn hướng các em thực hiện, đó là sự tôn trọng và biết ơn. Dù người đó là cô lao công, hay bác tài xế, chú bảo vệ… thì các em vẫn thể hiện sự tôn trọng. Khi họ làm điều gì cho mình dù nhỏ, thì phải bày tỏ lòng biết ơn”.

Hình thành từ thói quen hằng ngày

Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên dạy văn của Trường THPT Đinh Thiện Lý mới đây gây sốt khi viết thư gửi học trò với thông điệp về sự tử tế, đó là “Con là một người bình thường, nhưng con là một người bình thường tử tế”. Cô Ngọc nhìn nhận: “Thói quen ứng xử được hình thành hằng ngày. Để hình thành được thói quen tốt không hề dễ. Chúng ta vẫn cho rằng nói một lời xin lỗi sẽ rất xấu hổ, hoặc một lời cảm ơn là khách sáo, không cần thiết, cho nên nhiều người vẫn hay bỏ qua. Trong gia đình, cha mẹ chính là tấm gương còn ở trường học sẽ là thầy cô giáo. Người lớn sống tử tế, biết tôn trọng người khác, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi thì con trẻ cũng sẽ làm theo”.

Cũng theo bà Hoàng Thị Diễm Trang, để tạo được thói quen ứng xử đẹp cho học sinh, ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT, trường có thêm một số học phần bổ trợ như các giờ học giá trị sống (theo chương trình 12 giá trị sống của UNESCO), kỹ năng sống… do các thầy cô có chuyên môn về tâm lý giảng dạy.

“Quy trình trong lớp học mà nhà trường xây dựng, cũng giúp các em rèn luyện hằng ngày. Ví dụ như sau mỗi tiết học, các em phải di chuyển đến lớp khác. Trong quá trình di chuyển sẽ phải xếp hàng, cách lên xuống cầu thang, ra vào lớp học, sắp xếp bàn ghế… sao để thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Ngoài ra, mỗi tháng trường có một buổi sinh hoạt dưới sân, học sinh đăng ký làm hoạt cảnh, với nội dung là 1 trong 6 giá trị để thể hiện sự tôn trọng, trách nhiệm, sự trung thực…”, bà Trang chia sẻ.

Trong khi đó, hình thành thói quen ở lứa tuổi nhỏ hơn như mầm non, tiểu học cũng vô cùng quan trọng. Theo bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM), văn hóa ứng xử không đơn giản chỉ là những bài học trong sách vở mà phải được thực hành hằng ngày, nó hình thành nên nhân cách của mỗi người.

“Chúng tôi rất chú trọng việc này. Tôi vẫn trao đổi rất kỹ với giáo viên về cách ứng xử trong trường học, làm sao để các con nhìn vào sẽ học được điều hay. Vì các con rất ngây thơ, trong sáng, thấy người lớn làm gì sẽ làm theo. Đơn giản như khi học sinh chào mình, thì mình phải tươi cười với các con và chào lại”, bà Sửu cho biết.

Những bài học về ứng xử tại Trường tiểu học Phan Chu Chinh cũng được đưa vào trong chương trình học. Ngoài ra, trường còn phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dạy kỹ năng sống cho học sinh mỗi tuần 2 tiết, nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cũng như thói quen ứng xử tốt trong cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.