Tại các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP.HCM, các tình nguyện viên tôn giáo đã tích cực hỗ trợ y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng, từ việc vệ sinh thân thể, chăm lo ăn uống, động viên tinh thần…, với tinh thần cúi mình xuống để giúp đỡ nhau.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, các linh mục, nữ tu, sư cô làm việc liên tục nhiều giờ liền trong tình thế căng thẳng, mệt nhọc nhưng ánh mắt luôn hiền hòa chứa đầy tình thương đối với những bệnh nhân Covid-19.
Niềm hạnh phúc của các y bác sĩ, tình nguyện viên khi mỗi ngày nhìn thấy bệnh nhân hồi phục xuất viện |
Yêu thương để vượt qua sợ hãi
Ngày 20.8, nữ tu Đỗ Thị Mai Len (31 tuổi, Hội dòng Mến Thánh giá Đà Lạt) bắt đầu công việc tình nguyện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ở TP.Thủ Đức). Trước khi lên đường đi thiện nguyện, sơ Mai Len đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. “Thời gian đầu khi mới bắt đầu công việc, tôi cũng khá lo lắng, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước rồi. Nhưng khi được đồng hành cùng các tình nguyện viên khác, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, những nỗi lo sợ trong tôi đã biến mất hoàn toàn”, sơ Mai Len chia sẻ.
Từ khi phát động lời kêu gọi các tình nguyện viên tôn giáo lên đường tham gia chống dịch đến nay, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 7 đợt xuất quân với 587 tình nguyện viên tham gia phục vụ tại các bệnh viện điều trị Covid-19.
Theo kế hoạch ban đầu, sơ Mai Len sẽ trở về sau 1 tháng tham gia phục vụ bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, với mong muốn tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân, chia sẻ những áp lực với nhân viên y tế, sơ đã xin phép nhà dòng được tiếp tục ở lại phục vụ.
Phục vụ bệnh nhân hằng ngày như theo dõi chỉ số SpO2, vệ sinh cá nhân, chăm lo từng bữa ăn, miếng sữa, trong ca trực, sơ Mai Len gần như không có lúc ngơi tay. Dù vậy, sơ vẫn luôn vui vẻ, chẳng nản chí và xem đó là điều hạnh phúc khi được chung tay góp một phần nhỏ cho công cuộc chống dịch.
“Từ trước đến giờ, tôi chưa từng làm những công việc này cho ba, mẹ hay những người thân của mình. Nhưng khi đã dấn thân đi vào môi trường dịch bệnh này, tôi làm bằng hết thảy con tim. Mặc dù làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với F0, nguy cơ lây nhiễm cao không thể lường trước được, nhưng nếu rủi ro bị nhiễm bệnh trong giai đoạn này, tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận. Trái tim mình dành trọn vẹn cho bệnh nhân sẽ lớn hơn những nỗi sợ hãi”, sơ Mai Len trải lòng.
Sự hồi phục của bệnh nhân là động lực lớn
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, trụ trì Tu viện Tâm Không (H.Củ Chi, TP.HCM), lên đường tham gia hỗ trợ lực lượng y tế tại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.Thủ Đức) từ ngày 22.7 và xác định “khi nào TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh thì mới trở về”.
Chăm lo từng bữa ăn cho bệnh nhân lớn tuổi là công việc hằng ngày của sư cô Thích Nữ Nhuận Bình |
Nhân vật cung cấp |
Sư cô Nhuận Bình tham gia phục vụ bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu. Trong mỗi ca trực, sư cô làm việc liên tục 8 giờ đồng hồ với công việc chăm sóc bệnh nhân: đo các chỉ số, chăm lo ăn uống, tiếp ô xy, thay tã, hỗ trợ đi vệ sinh... Đặc biệt, sư cô còn là người trấn an tâm lý cho những bệnh nhân đang rơi vào trạng thái hoang mang cực độ, khủng hoảng tinh thần...
Vì đã từng học qua lớp đông y và làm việc ở phòng mạch nên khi bắt tay vào công việc, sư cô cảm thấy không có gì quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, thời gian đầu đến bệnh viện, cảm giác lần đầu gặp F0 khiến sư cô Nhuận Bình không khỏi hồi hộp. “Khi chứng kiến những bệnh nhân đang nằm ở Khoa Cấp cứu, tự dưng tình thương trong lòng trỗi dậy, đẩy lùi sự sợ hãi, hồi hộp ban đầu. Ai cũng sợ chết chóc, ai cũng sợ chia ly, nhưng tình thương là chất xúc tác, là động lực lớn nhất để chúng tôi dám quên mình vì sự hồi phục, bình yên của bệnh nhân”, sư cô chia sẻ.
Niềm hạnh phúc của sư cô Nhuận Bình là nhìn thấy những bệnh nhân dần hồi phục, chuyển nhẹ và rời khỏi Khoa Cấp cứu chuyển sang phòng bệnh bình thường. Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân chuyển nặng khiến sư cô day dứt mãi trong lòng...
“Ai cũng sợ thì ai sẽ cứu ai”
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, các tình nguyện viên tôn giáo được phân bổ ở các đội như: dọn vệ sinh, lâm sàng, sàng lọc, hành chính, đội dinh dưỡng… để chia sẻ bớt gánh nặng cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng.
Từ ngày 8.9 đến nay, linh mục Giuse Trần Thanh Hải, dòng Truyền giáo Ngôi Lời (SVD), được phân công làm ở Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Công việc hằng ngày của linh mục là phân phát đồ ăn cho bệnh nhân, các nhân viên y tế, tình nguyện viên khi họ vừa kết thúc ca trực. Cùng đó, linh mục và những tình nguyện viên khác sẽ vận chuyển bánh, sữa… đến cho bệnh nhân khi có những đợt hỗ trợ. “Vào đây, công việc nào cũng quan trọng, ai cũng có nhiệm vụ cao cả như nhau. Phục vụ nơi đâu cũng là phục vụ”, linh mục Hải nói.
Mặc dù mang trong mình một số bệnh lý nhưng linh mục Hải vẫn tình nguyện tham gia công việc thiện nguyện vì “ai cũng sợ thì ai sẽ cứu ai”. Đây là khoảng thời gian rất ý nghĩa của tinh thần phụng sự và linh mục muốn góp phần xoa dịu nỗi vất vả của các lực lượng tuyến đầu, qua đó hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn với họ. “Mặc dù làm việc trong môi trường khắc nghiệt nhưng những nụ cười, tinh thần hăng say, vui vẻ luôn hiện rõ trên khuôn mặt của nhân viên y tế, tình nguyện viên. Đây là niềm vui khi các tình nguyện viên chúng tôi đã đem lại cho y bác sĩ sự nâng đỡ rất lớn”, linh mục Hải bộc bạch.
Mổ bắt con cứu sản phụ nhiễm Covid-19 bị bão Cytokine |
Bên cạnh những công việc được phân công, các tình nguyện viên tôn giáo cũng được phép cử hành các nghi thức tôn giáo cho bệnh nhân. Ngoài ra, các tình nguyện viên thường xuyên thăm phòng bệnh nhân khi có thể, tạo điều kiện cho họ liên lạc với người thân trong gia đình qua điện thoại. Điều này cũng tác động đến tinh thần của người bệnh phần nào để mau chóng hồi phục sức khỏe.
Mời tham gia cuộc thi viết Đồng lòng chống dịch
Báo Thanh Niên trân trọng mời quý bạn đọc trong và ngoài nước tham gia cuộc thi Đồng lòng chống dịch. Đây là cuộc thi viết tiếp nối (Giai đoạn 2) cuộc thi
Vượt qua Covid-19, đã được triển khai từ 26.7 vừa qua. (Xem thể lệ chi tiết trên thanhnien.vn),
Tác phẩm dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected].
Tác phẩm gửi về phải ghi rõ: Họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ và email, số điện thoại (ghi rõ kèm bên dưới bài dự thi).
Giải thưởng
1 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
1 giải nhì: Trị giá 15.000.000 đồng.
1 giải ba: Trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt xem và like cao nhất trên Thanh Niên Online):
Trị giá 5.000.000 đồng.
Danh sách người đoạt giải sẽ được công bố trên chuyên trang Vượt qua Covid-19: Đồng lòng chống dịch.
Bình luận (0)