Tỉnh BR-VT là một trong 2 địa phương được Chính phủ chọn để xây dựng CCN chuyên sâu nhằm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Trần Minh Sanh- Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp
Dự an CCN chuyên sâu Đá Bạc đưa vào hoạt động rất có ý nghĩa tại vùng đất nghèo Đá Bạc |
Nhiều thuận lợi về giao thông
|
Trong 2 năm 2011 và 2012, UBND tỉnh BR-VT đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến kêu gọi đầu tư tại Nhật Bản cũng như đón tiếp nhiều chuyến khảo sát của các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đồng ý chọn khu Đá Bạc làm CCN chuyên sâu dành cho họ vì giao thông nơi đây khá thuận lợi. Khoảng cách từ CCN Đá Bạc đến Cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải 25km, cách sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai, năm 2015 dự kiến khởi công) 35km và cách Trung tâm hành chính tỉnh BR-VT 15km.
Theo thiết kết, dự án CCN chuyên sâu Đá Bạc có diện tích giai đoạn 1 là 75 ha (tổng diện tích 1.058ha), thu hút lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng. Đây là CCN kiểu mới khác với các CCN truyền thống của nước ta từ trước đến nay. Ngoài phần đất và nhà xưởng cho thuê phục vụ công nghiệp, còn có các dịch vụ tiện ích khác để hỗ trợ doanh nghiệp như: Khu vực dành cho ngân hàng, dịch vụ tài chính, bưu điện; Khu nhà ở cho chuyên gia, khu nhà ở cho công nhân, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng Việt Nam, tiệm cà phê...; Khu thể thao vui chơi giải trí, khách sạn, công viên cây xanh, phòng khám đa khoa, khu nhà trẻ.
Ngoài ra còn có các dịch vụ “một cửa” hỗ trợ kinh doanh cho nhà đầu tư. Đây là điểm mấu chốt quan trọng của CCN chuyên sâu Đá Bạc, bao gồm : hỗ trợ thành lập và xin cấp giấy phép đầu tư, hỗ trợ dịch thuật, thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan, logistics, kho bãi, hỗ trợ tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiệp vụ kế toán, thủ tục kê khai thuế.
Thay đổi diện mạo xã nghèo
Khi đi vào hoạt động, CCN Đá Bạc dự kiến thu hút khoảng 30 - 50 nhà đầu tư lớn nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp lắp ráp tạo. Đồng thời, tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận. Ông Lê Văn Tô, Chủ tịch UBND xã Đá Bạc vui mừng: “Là một xã nghèo, đất đai nơi đây bạc màu, gây khó khăn trong việc phát triển nông nghiệp. Khi CCN này đi đưa vào hoạt động sẽ góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương và người dân không phải đi làm công nhân ở xa nữa. Góp phần tăng thu ngân sách, làm thay đổi diện mạo đời sống của vùng xã nghèo Đá Bạc thành vùng đất công nghiệp hiện đại, điều quan trọng hơn là người dân có thể tiếp cận được các hoạt động sản xuất kỹ thuật công nghệ cao của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản”.
Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT khẳng định: “Sự kiện CCN chuyên sâu Đá Bạc đưa vào khởi công xây dựng không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế mà còn là kết quả bước đầu, khẳng định sự quyết tâm của các bên trong việc thực hiện nội dung thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa tỉnh BR-VT với chính quyền thành phố Kawasaki, Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Kaswasaki”.
Nguyễn Long
Bình luận (0)