Virus H1N1 G4 tăng sự thích nghi trên người, có thể gây đại dịch
Chiều nay, 17.7, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ này mới có báo cáo gửi
Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người, đặc biệt là bệnh cúm lợn G4 vừa được phát hiện ở Trung Quốc. Đây là loại cúm được các nhà khoa học cho rằng có thể gây ra đại dịch.
Theo thông tin của Bộ NN-PTNT thu thập, từ năm 2016 - 2018, các nhà khoa học Trung Quốc lấy mẫu huyết thanh của 338 người chăn nuôi lợn tại 15 trang trại.
Đối với mẫu lấy từ lợn, các nhà khoa học phát hiện được 179 mẫu virus cúm lợn (bao gồm 136 mẫu trong tổng số 29.918 mẫu dịch ngoáy mũi, 43 mẫu trong tổng số 1.016 mẫu bệnh phẩm lợn).
Sau khi tiến hành giải trình tự các đoạn gen HA và NA của các virus phân lập được, các nhà khoa học xác định được có 165 mẫu là chủng virus cúm H1N1 thuộc dòng (lineage) virus cúm lợn có nguồn gốc gia cầm lưu hành tại khu vực Âu - Á (ký hiện EA H1N1).
7 mẫu là chủng virus cúm đại dịch năm 2009 (ký hiệu là pdm/09 H1N1). 1 mẫu là chủng virus thuộc dòng lợn cổ điển SC H1N1. 4 mẫu là virus H3N2; và 2 mẫu là virus H9N2.
Điều này cho thấy dòng virus cúm EA H1N1 lưu hành phổ biến nhất trên lợn tại Trung Quốc và đây cũng là chủng virus được phát hiện hàng năm.
Còn ở kết quả giám sát huyết thanh học từ công nhân, người chăn nuôi lợn, các nhà khoa học phát hiện được 35/338 người chăn nuôi lợn có kháng thể kháng virus cúm EA H1N1/G4.
Đặc biệt là những người có độ tuổi từ 18 - 35 tuổi có kết quả huyết thanh dương tính là 20,5% (9/44 người). Điều này cho thấy virus H1N1 G4 đã tăng sự thích nghi trên người, làm tăng mối lo ngại về khả năng tạo ra chủng virus mới có thể gây đại dịch.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, virus
cúm lợn H1N1 G4 không phải là virus mới và không gây bệnh cho con người và động vật một cách dễ dàng. Một chủng tương tự như G4 đã được Tổ chức Y tế
thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan ở Trung Quốc theo dõi, giám sát liên tục kể từ năm 2011.
Còn tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT cho biết, từ năm 2009 đến nay, sau khi xuất hiện đại dịch cúm do pdm/09 H1N1 gây ra vào năm 2009, Cục Thú y phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, chủ động lấy mẫu và xét nghiệm trên 35.600 con lợn các loại.
Trong đó, 7.500 mẫu lợn do chương trình phối hợp với Mỹ thực hiện; 14.600 mẫu lợn do chương trình hợp tác với Viện Thú y quốc gia của Nhật Bản thực hiện; 13.500 mẫu do chương trình phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc thực hiện.
Trong các năm 2013 - 2014, Cục Thú y và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với Mỹ tổ chức thực hiện giám sát chủ động, lấy 7.500 mẫu dịch hầu họng và huyết thanh lợn tại 220 lò mổ của 9 tỉnh, thành phố và 1.512 mẫu dịch ngoáy mũi, hầu họng của những người tham gia giết mổ lợn tại các lò mổ này để xét nhiệm virus cúm pdm/09 H1N1, H3N2 và
H5N1.
Đối với mẫu trên người, kết quả cho thấy có 4 mẫu dịch hầu họng dương tính virus cúm A/H3; 19% mẫu huyết thanh dương tính kháng thể virus cúm pdm/09 H1N1, 11% mẫu huyết thanh dương tính kháng thể virus cúm A/H3.
Đối với mẫu trên lợn, 1,1% mẫu dịch hầu họng dương tính virus cúm A (không có mẫu dương tính H1 và H3); 10 mẫu huyết thanh dương tính kháng thể virus cúm A/H1 và 21 mẫu huyết thanh dương tính virus cúm A/H3.
Trong các năm 2010 - 2018, Cục Thú y phối hợp với Viện Thú y Nhật Bản tổ chức thực hiện giám sát chủ động, lấy 14.600 mẫu dịch hầu họng và huyết thanh lợn tại 270 cơ sở chăn nuôi lợn và 10 cơ sở giết mổ lợn tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Qua đó, các nhà khoa học phát hiện 527 mẫu virus cúm (bao gồm 104 mẫu H1N1, 01 mẫu pdm/09 H1N1; 151 H1N2 và 272 H3N2).
Cũng theo kết quả phân tích di truyền HA, các chuyên gia Nhật Bản cho biết đã phát hiện 1 mẫu virus
cúm H1N1 thu thập cuối năm 2018 tại Bắc Ninh thuộc dòng EA, clade 1C.2.3. Tuy nhiên, để khẳng định chủng virus này có kiểu gen G4 hay không, các chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục phân tích và trả lời trong thời gian sớm nhất.
Chủ động nghiên cứu, giám sát cúm lợn ở lợn và ở người
Bộ NN-PTNT khẳng định, hiện nay, các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đều có đủ khả năng, nguyên liệu xét nghiệm, phát hiện virus cúm nói chung, trong đó có virus cúm lợn, kể cả chủng pdm/09 H1N1 bằng phương pháp Real-time PCR và giải trình tự gen của virus cúm.
Nhưng để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, Bộ NNPTNT dã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giám sát cúm lợn ở lợn và ở người, đặc biệt là chủng pdm/09 H1N1 và các chủng có khả năng lây sang người.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về cúm lợn.
Đối với các địa phương, Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm theo quy định của luật Thú y, các văn bản hướng dẫn cụ thể phòng, chống bệnh cúm lợn, trong đó có nội dung tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện cúm lợn.
Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tính chất nguy hiểm của
dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhưng không gây hoang mang cho cộng đồng.
Bình luận (0)