Cũng có 'ông ta' vớt rác

23/05/2016 14:54 GMT+7

Chuyện Tây hay ta dọn rác, bảo vệ môi trường sống đều đáng trân trọng như nhau. Vấn đề là làm sao ngày càng có thêm nhiều người như vậy.

Mấy bữa nay, “ông Tây nhặt rác” đã trở thành từ khóa “hot”,được nhiều cư dân mạng truy cập. James Joseph Kendall (thầy giáo 34 tuổi đến từ Mỹ) lập nhóm tình nguyện dọn vệ sinh tại đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, huyện Cầu Giấy, Hà Nội đã làm dấy động báo chí. Dư luận xã hội càng dậy sóng khi chủ tịch phường Yên Hóa trả lời báo chí: “Đoạn mương này đã được phường dọn sạch đẹp cả tháng nay. Ủy ban phường rất bất bình khi khách nước ngoài dọn dẹp rác ở trên địa bàn phường mà không xin phép”. Phát biểu như đổ dầu vào lửa, bị “ném đá” tới tấp. Tôi thấy hơi quá.
Tây nhặt rác – bình thường
Thứ nhất, không chỉ có mình ông Tây vớt rác mà một số bạn Việt Nam cùng tham gia. Chủ tịch phường đáng phê phán vì quan liêu và tự tin thái quá: “Đoạn mương này đã được phường dọn sạch đẹp cả tháng trước”. Ở Việt Nam, những con mương như vậy chỉ cần một tuần, thậm chí vài ngày là đầy rác chứ không cần cả tháng. Nếu là chủ tịch phường, khi hay chuyện, tôi sẽ đến cám ơn. Nhân tiện, nhắc khéo ông Tây: “Lần sau làm vậy, nhớ báo phường một tiếng, để vận động bà con cùng tham gia” .
Thứ hai, luật Việt Nam chưa cho phép tự do tụ tập đông người. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đó là nhóm người xấu, giả dạng vớt rác để đổ bỏ chất độc hủy diệt môi trường sống? Hay đặt chất nổ chẳng hạn. Tôi nghĩ, chẳng phường nào bắt làm đơn, chủ yếu là trình báo để biết. Việc này rất bình thường. Khi văn phòng công ty LV còn ở phố Tràng Thi, mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, anh em chúng tôi nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm, vẫn phải báo cho phường biết.
Ngày 18.5, lại xuất hiện đoạn clip cùng câu chuyện thú vị về phản ứng của anh chàng Rob, người New Zealand. Khi thấy mấy lá bài nổi lềnh bềnh trên ghềnh Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), Rob đã cởi trần xuống biển nhặt rác vào dịp 30.4 vừa qua. Việc Tây có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường hơn người người Việt thì miễn bàn và không phải bây giờ mới có.
Rất nhiều người Việt cũng luôn ý thức về vệ sinh môi trường - Ảnh: Bách Hợp
Tôi vẫn nhớ như những bài học sinh động về giữ gìn môi trường sống của Didier Resach, chuyên gia Pháp, người đưa các môn thể thao mạo hiểm mà cụ thể là leo núi, dù lượn… vào Việt Nam cách đây hơn 20 năm. Dọc đường lên đỉnh Lang Biang, Didier cúi xuống lượm từng mẩu nhựa, nắp chai nước suối, vỏ kẹo… khách vứt rải rác và giải thích cặn kẽ về tác hại của loại rác này. Anh em chúng tôi thấm thía và vỡ ra là việc gìn giữ môi trường sống phải bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ. Sau mỗi chuyến leo núi, hành trang của các huấn luyện viên luôn nặng hơn vì phải cõng rác xuống chân núi mới xử lý hoặc có chỗ đổ.
Ta nhặt rác – không lạ
Hình như với nhiều người Việt, cái gì Tây cũng hơn ta, kể cả việc chữ ‘’Tây’’ phải viết hoa, còn chữ ‘’ta’’ chỉ viết thường. Trước khi gặp Didier, tôi đưa các thầy cô Trường Đội thành phố đi huấn luyện ở vườn quốc gia Cát Tiên (1993). Kết thúc trại, dưới sự hướng dẫn của nhóm huấn luyện viên Việt Nam, tất cả rác thu gom được đốt hoặc chôn, không để lại dấu vết gì. Chỉ khác là không được phân tích, giảng giải cặn kẽ như Didier. Sau khi gặp Didier, trong các tour dã ngoại, LV, lúc đó chưa phải là công ty, luôn vận động du khách tham gia cùng ký tên vào bản cam kết gìn giữ và bảo vệ mội trường bằng những việc làm cụ thể.
Nhóm hướng dẫn viên LV dưới sự chỉ huy của anh Nguyễn Long Giang (hiện là Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, quận 6) đã làm ngỡ ngàng các thậy cô, đặc biệt là cán bộ nhân viên khu du lịch núi Bà Đen, Tây Ninh. Sau khi tổng kết chuyến tham quan, Giang mời tất cả học sinh, thầy cô trường chuyên Nguyễn Du (quận 1) làm vệ sinh toàn bộ khu vực với thông điệp: ‘Trường mình đi tới đâu, chỗ đó phải sạch đẹp hơn’’. Cuối năm 2012, khi LV tổ chức huấn luyện định kỳ ‘’Chinh phục đỉnh Nọc Trù, Takou’’, chuyển giao lãnh đạo từ thế hệ 5X qua 8X, anh em đã thu gom được mấy trăm ký rác dọc đường bộ lên núi.
Khi mới khai trương năm 2004, nhân viên nhà hàng Tâm Châu (Bảo Lộc) hễ thấy nhà xe và du khách vô tư xả rác xuống sân là chạy ra lượm ngay trước mặt mọi người, không cần nói năng gì cả. Thấy vậy, mấy người định xả cũng không dám. Anh Tráng A Chu, dân tộc H’ Mong (Sơn La), chủ Homestay CBT Hua Tạt kể : ‘Khách Việt đến ở hay xả rác tứ tung. Nhắc thì kỳ vì toàn người lớn với nhau. Mỗi lần như vậy, em cho 2 đứa con 6 và 4 tuổi cầm giỏ rác ra lượm ngay. Vài lần thế, hết ai dám xả’’.
Hè 2015, ra khu du lịch Thiên Đàng (Quảng Ngãi), thấy gần ngàn người Hội thánh Tin Lành đang tổ chức trại hè. Gặp nhau, dù không quen biết nhưng ai cũng tươi cười chào hỏi. Cứ mỗi cuối ngày, lại cùng nhau dọn rác và lá khô. Khu du lịch thiếu giỏ rác, anh em lấy ghế nhựa, lật ngược, trùm túi ni lông thành những giỏ rác sáng tạo. Trưởng lão Mai Phúc Việt tự hào : ‘Chúng tôi tới đâu, môi trường ở đó phải tốt hơn.’’
Tôi nhớ nhất là chuyến đưa các thầy cô cùng gia đình khoa Văn đại học Sư Phạm thành phố HCM tham quan Phú Quốc. Đi tàu câu cá, ăn hải sản trên tàu. Giấy chùi đầy bàn. Tôi định ăn xong mới dọn nhưng Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng đã miệng nói, tay làm, dọn sạch ngay vì ‘’sợ gió thổi bay xuống biển’’. Đang ăn, có mấy cháu bé uống hết nước ném chai không xuống biển. Thầy Dũng vội nhảy xuống, bơi ra lượm lên và nhắc các cháu phải giữ cho môi trường biển sạch đẹp. Điều mà lẽ ra hướng dẫn viên là tôi phải làm…
Chuyện Tây hay ta dọn rác, bảo vệ môi trường sống đều đáng trân trọng như nhau. Vấn đề là làm sao ngày càng có thêm nhiều người như vậy. Chẳng cần đi đâu xa ; hay cần ‘phong trào’’, ‘’chiến dịch’’ này nọ. Chung quanh nơi mình ở, ‘thấy dơ là quét, thấy rác là dọn’’, mỗi người một tay là thiết thực góp phần cho thành phố thêm văn minh, lịch sự và đáng sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.