Củng cố sức mạnh công nghiệp văn hóa Việt

13/09/2022 07:00 GMT+7

Doanh thu của nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt khởi sắc, tuy nhiên hàng ngoại vẫn đang lấn lướt.

Ưu ái sản phẩm văn hóa ngoại

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, TS Nguyễn Thu Hà (Viện Văn hóa nghệ thuật VN) đã cùng nhau làm một nghiên cứu đánh giá công nghiệp sáng tạo và công bố tại hội thảo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 12.9 tại Hà Nội. Theo đó, PGS-TS Phương đánh giá cao tiềm năng của thị trường tiêu thụ sản phẩm dịch vụ văn hóa nội địa Việt. Mặc dù vậy, theo bà: “Các khảo sát thực tế cho thấy, ngoài sự khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”.

Du lịch văn hóa là một thế mạnh của công nghiệp văn hóa VN

Dự án Về làng

Theo PGS-TS Phương, thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc có sức mạnh mềm văn hóa cùng khu vực châu Á với VN như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Bà Phương cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể: người dân thường xuyên xem điện ảnh, thưởng thức âm nhạc, sử dụng sản phẩm thời trang của Hàn Quốc.

Hai tác giả Kiều Việt Cường và Nguyễn Bích Ngọc (Chương trình định cư con người của LHQ tại VN) lại nêu một số thống kê về công nghiệp văn hóa trong nước. Theo đó, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 2,68% GDP cả nước năm 2015, con số này đạt 3,61% vào năm 2019. Như vậy, công nghiệp văn hóa đã đạt mục tiêu chung đề ra cho năm 2020, đóng góp khoảng 3% GDP. Thậm chí, trong một báo cáo quốc tế của UNESCO và Ngân hàng Thế giới (2021), con số này được ước tính lên đến 8,9%, với đóng góp chủ yếu đến từ các ngành du lịch văn hóa, ẩm thực và quảng cáo, cũng như vậy đạt được mục tiêu kinh tế đề ra vào năm 2030.

TS Nguyễn Thị Thanh Hoa, Viện Văn hóa nghệ thuật, cho rằng hiện còn thiếu đồng nhất về dữ liệu văn hóa. Chẳng hạn, báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nghiên cứu khác hiện không cho thấy được con số chính xác về số lượng các địa điểm biểu diễn hiện có tại VN. Việc khó khăn trong tổng hợp số liệu này phản ánh sự thiếu vắng của cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Việc thiếu vắng dữ liệu này, theo TS Hoa, cho thấy sự cần thiết phải cải thiện hơn nữa hệ thống báo cáo và thống kê văn hóa ở VN.

Một thiết kế của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

NVCC

Cần hỗ trợ từ chính sách

Theo PGS-TS Phương, một trong những hạn chế của thị trường văn hóa VN chính là hợp tác công tư chưa được khai thác hiệu quả. VN hiện có cơ sở hạ tầng phong phú giàu bản sắc và gần 200 không gian sáng tạo đa dạng các biểu đạt phân bổ trên toàn quốc (không gian văn hóa, nghệ thuật; không gian thiết kế, thương mại điện tử, ứng dụng phần mềm). Đây là một lợi thế để VN khai thác sức hấp dẫn, khả năng kết nối của thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, một thách thức bao trùm lên các cơ sở hạ tầng văn hóa và không gian sáng tạo vẫn là sự chưa quyết liệt trong mở cửa cho khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào khu vực tư. “Ở VN, các dự án công tư đã có những thành công ở hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông. Trong khi đó, một mô hình tương tự ở lĩnh vực văn hóa vẫn chưa hình thành do còn nhiều vướng mắc”, PGS-TS Phương đánh giá.

Th.S Phạm Thị Nhung, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, phân tích sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp game Trung Quốc và thúc đẩy chính sách. Theo đó, năm 2009, Bộ Văn hóa Trung Quốc ban hành “ý kiến chỉ đạo về việc đẩy nhanh phát triển công nghiệp văn hóa”. Trong đó, yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến, thúc đẩy phát triển các trò chơi trực tuyến của Trung Quốc sản xuất, cải thiện nội hàm văn hóa của các trò chơi. Bộ cũng khuyến khích các công ty game xây dựng thương hiệu game Trung Quốc và tích cực tìm hiểu thị trường nước ngoài. Hiện tại, Trung Quốc có một cơ thể “công nghiệp game” khỏe mạnh.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), nhắc tới việc can thiệp chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Bà lấy ví dụ từ Pháp. Ở Pháp vẫn đang áp dụng chế độ đặc biệt đảm bảo cho người thất nghiệp là nghệ sĩ, kỹ thuật viên sân khấu (luật ra đời từ năm 1936). Trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, Pháp tiếp tục duy trì quy định bắt buộc về việc sử dụng các tác phẩm mỹ thuật để trang trí các tòa nhà công cộng thông qua ủy ban “1% cho nghệ thuật” được thiết lập từ năm 1951. Theo đó, 1% tổng kinh phí xây dựng, phục chế hoặc cải tạo mở rộng bất kỳ công trình công cộng nào cũng phải dành để mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.