Ngược xuôi trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Dương Quảng Hàm ở P.5, Q.Gò Vấp (TP.HCM) một lúc lâu, chúng tôi mới tìm ra nơi chị Lê Trúc Chi (41 tuổi) làm việc. Gặp chúng tôi, chị khá bất ngờ vì không hẹn trước. Là bởi, chúng tôi muốn tận mắt chứng kiến cuộc sống và sinh hoạt của mẹ con chị sau biến cố đau lòng.
PV Thanh Niên trò chuyện cùng mẹ con chị Lê Trúc Chi |
BÙI CHIẾN |
Tháng 8.2021, chồng chị là anh C.Q.C (đầu bếp một khách sạn lớn ở TP.HCM) nhiễm Covid-19 rồi qua đời, để lại cho chị 4 con nhỏ, cháu lớn 17 tuổi, cháu nhỏ nhất 2 tuổi. Còn nhớ lúc đó, khi lần đầu chúng tôi gặp chị và các cháu tại trụ sở Quận đoàn Q.Gò Vấp, để trao những suất tiền (3 triệu đồng/suất) hỗ trợ bước đầu của chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, đôi mắt trũng sâu của chị ẩn chứa bao đớn đau. Các con chị cũng không nói một lời nào. Nhưng hôm nay chị và các cháu dường như đã vơi bớt phần nào buồn đau và bắt nhịp lại với cuộc sống.
“Chuyện đau đớn đã xảy ra, mẹ con em phải đối diện với thực tế và cùng nắm tay nhau vượt qua những chơi vơi, gập ghềnh”, chị Chi mở đầu câu chuyện. Chị cho biết, từ tháng 5.2022, 2 suất học bổng (3 triệu đồng/suất) của Công ty CP Tập đoàn Masterise thông qua Báo Thanh Niên hỗ trợ hằng tháng cho hai cháu C.M.H (lớp 12) và C.N.N.Y (lớp 11) đã chia bớt gánh nặng giúp chị và gia đình. Mới đây vào cuối tháng 10, Tập đoàn Tân Hiệp Phát ký thỏa thuận với Báo Thanh Niên và chị, để bảo trợ đến năm 18 tuổi cho cậu con út C.N.H (3 tuổi).
“Cuộc sống của mẹ con em hiện nay cũng tạm ổn. Tất cả là nhờ sự thương yêu của gia đình nội ngoại, của bà con chòm xóm, của chính quyền địa phương; đặc biệt là sự quan tâm, chia sẻ, chăm lo từ vật chất đến tinh thần của Báo Thanh Niên và bạn đọc. Đó là điều cảm thấy ấm lòng khi được về ngôi nhà chung là Báo Thanh Niên”, chị Chi thổ lộ.
Rời nhà chị Chi, chúng tôi ghé thăm phòng trọ anh Tăng Nguyễn Duy An (34 tuổi) ở cuối một hẻm nhỏ trên đường số 7, P.3, Q.Gò Vấp. Vợ anh An mất do Covid-19 vào tháng 8.2021, để lại cho anh 2 con gái nhỏ. Lúc gặp chúng tôi vào thời điểm ấy, nhận phần hỗ trợ của chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời cho hai con, anh An đã khóc rất nhiều, khiến chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.
Anh Tăng Nguyễn Duy An bên hai con nhỏ của mình |
BÙI CHIẾN |
Khi chúng tôi đến, anh An vừa đón con gái lớn là cháu T.H.A đi học về. Trao các cháu ít bánh kẹo làm quà, câu chuyện giữa chúng tôi với anh An trong căn phòng trọ hơn 10 m2 thỉnh thoảng lại đứt đoạn bởi cảm xúc không thể kìm nén mỗi khi anh nhắc về người vợ quá cố. Rồi anh nhờ bà nội đút cháo cho T.M.A (mới hơn 15 tháng tuổi), còn anh thì chuẩn bị cơm chiều cho con gái lớn, để “tí lại chở cháu sang nhà một phụ huynh nhờ ôn bài giúp”. Anh cho biết, từ ngày mẹ các cháu mất, một phụ huynh có con học cùng lớp nhận kèm cháu miễn phí tại nhà. “Nhờ vậy mà cháu theo kịp chương trình và học tốt, tôi mới yên tâm và có thời gian đi làm thêm ban đêm, chứ chạy xe ôm công nghệ thu nhập cũng bấp bênh”, anh An tâm sự.
Trước khi chia tay, anh nói với chúng tôi: “Rất may là quý báo và Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhận bảo trợ cho cháu T.M.A đến năm 18 tuổi (mỗi tháng 2 triệu đồng), đã giúp thêm tiền mua sữa, mua đồ dùng cho cháu. Tôi sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn phía trước để các con không thua thiệt khi thiếu mẹ”.
Từ chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, H.T.Tài đã bước chân vào giảng đường đại học, nỗ lực thực hiện ước mơ người mẹ trao gửi |
Thanh Đông |
Nâng bước đến trường
Ngày 27.9.2021, dù TP.HCM vẫn còn giãn cách, những người thực hiện chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời đã cố gắng đến thăm hỏi nhà anh Huỳnh Quốc Tuấn, ở hẻm 524 Hưng Phú, P.9, Q.8. Anh Tuấn mất cha vào ngày 22.7.2021; một tháng sau, vợ anh ra đi vì Covid-19. Trong bầu không khí ảm đạm với 2 di ảnh còn mới, nhìn anh Tuấn cùng hai con trai là H.T.Tài (lúc này đang học lớp 12 Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8) và H.T.L (học lớp 8 Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8) càng thấy buồn hơn... Sau khi trao số tiền hỗ trợ khẩn cấp cho cha con anh Tuấn vào ngày 27.9.2021, ngày 9.11.2021, hai con anh đã được Đảng bộ Báo Thanh Niên nhận bảo trợ lâu dài.
Em H.T.H.V với nụ cười tự tin, yêu đời sau 1 năm nhận được sự đồng hành từ chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời |
Kim Phượng |
Hôm đến tòa soạn Báo Thanh Niên để ký thỏa thuận bảo trợ cho con, anh Tuấn cùng hai trẻ trông đỡ u buồn hơn. “Mấy cha con nghe tin được bảo trợ lâu dài nên mừng lắm. Tôi vơi đi phần nào lo lắng về kinh tế, tập trung nhiều hơn việc chăm sóc tinh thần cho hai con”, anh Tuấn chia sẻ. Sau khi ký thỏa thuận bảo trợ, hằng tháng, đại diện Đảng bộ Báo Thanh Niên đều đặn đến thăm hỏi, trao tiền bảo trợ cho hai con của anh. Anh Tuấn tâm sự: “Sau dịch, hai con, nhất là con trai lớn H.T.Tài có nhiều ưu tư lắm. Tài lo không biết có học tiếp đại học được không vì chỉ có mình ba đi làm, còn phải nuôi em. Tôi động viên, phân tích cho con thấy hiện hai con đã có chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên hỗ trợ. Khi con vào đại học, nếu có khó khăn, ba sẽ trình bày với các cô chú bên báo nhờ giúp đỡ, con cứ yên tâm và phấn đấu học. Thật vui, kỳ tuyển sinh đại học năm rồi, H.T.Tài đã trúng tuyển Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Văn Lang, còn H.T.L năm học qua cũng đạt loại giỏi trong lớp”. Khi H.T.Tài trúng tuyển vào đại học cũng là dịp Trung thu năm 2022, nhà báo Nguyễn Trọng Phước, Trưởng ban Giáo dục, đại diện Chi bộ Nội dung 1 thuộc Đảng ủy Báo Thanh Niên, đã đến nhà thăm hỏi, tặng quà và trao tiền bảo trợ tháng 9, tháng 10 cho H.T.Tài và H.T.L, chúc mừng Tài vào đại học.
Gia đình chị Thái Thị Hoài Nam đã vơi đi khó khăn, tìm lại niềm vui trong cuộc sống |
KIM PHƯỢNG |
Theo quy chế của chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, việc bảo trợ lâu dài sẽ dừng lại khi trẻ tròn 18 tuổi. Vì vậy, hay tin H.T.Tài vào đại học, nhà báo Nguyễn Trọng Phước đã kết nối với Trường ĐH Văn Lang để xin giảm học phí cho Tài. Bên cạnh đó, nhóm thiện nguyện Sài Gòn thông qua chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời tặng học bổng cho Tài mỗi tháng 1 triệu đồng trong 4 năm học đại học.
H.T.Tài tâm sự: “Sau những khó khăn mà em và gia đình trải qua, em thấy rằng xung quanh mình còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng trao gửi yêu thương đến những ai đang khó khăn như em và gia đình. Từ đó, em luôn động viên mình cố gắng tập trung học để vào được đại học, phải hoàn thành ước mơ của mẹ đã gửi trao. Và em cảm thấy vui khi mình đã làm được”.
Chu cấp hằng tháng, lo công ăn việc làm
Trong căn phòng trọ chưa đầy 10 m2, chị Thái Thị Hoài Nam (43 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn chưa nguôi nỗi nhớ thương khi nhắc đến người chồng đã ra đi trong đại dịch Covid-19 vào ngày 5.9.2021. Anh để lại cho chị 3 đứa con thơ dại (một bé gái 15 tuổi và 2 bé gái song sinh chưa đầy 3 tuổi). Từ lúc có bầu song sinh, chị chỉ ở nhà nội trợ, mọi chi phí trong nhà có anh gánh vác. Rồi anh ra đi đột ngột, bản thân chị không biết xoay xở thế nào để vừa chăm con vừa làm việc, trả tiền thuê nhà, tiền sữa, tiền ăn và nhiều chi phí khác cho gia đình. Giữa lúc ấy, một người bạn của chị đã gửi hồ sơ của các con chị cho chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên và được chương trình ký bảo trợ đến năm 18 tuổi cho 2 bé sinh đôi (sinh năm 2018) là N.T.M.Tâm và N.T.M.Thảo, con gái lớn N.T.M.Thư (15 tuổi) được một đơn vị thuộc Q.Bình Tân bảo trợ.
Nhiều doanh nghiệp, bạn đọc, nhà hảo tâm hưởng ứng chương trình
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn (giữa) và bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ký thỏa thuận bảo trợ cho 2 trẻ H.N.T và H.Q.H, cháu ngoại của ông Hàng Hữu Nghĩa (Q.6, TP.HCM) |
Nhật Thịnh |
Trả lời phỏng vấn Hãng phim Giải Phóng tháng 12.2022, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, bày tỏ: “Những người làm Báo Thanh Niên luôn xác định một điều là làm tất cả có thể cho các em. Hỗ trợ tài chính vật chất để các em và gia đình vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi mất đi người thân, mất đi nguồn thu nhập nuôi nấng các em ăn học. Đây là nỗi trăn trở rất lớn của những người thực hiện chương trình. Bổn phận của những người làm Báo Thanh Niên khi khởi xướng chương trình này còn bao gồm cả vấn đề động viên, chăm sóc các em về mặt tinh thần. Có nhìn các em hồn nhiên vui tết Trung thu hay nhận những phần quà tết Nguyên đán Nhâm Dần do Báo Thanh Niên và các đơn vị đồng hành thực hiện, mới thấy các em rất cần và rất vui khi có thêm hơi ấm tình thương của cộng đồng. Vì vậy, nỗ lực của chúng tôi là làm sao ngoài số tiền bảo trợ lâu dài, tài trợ học bổng, hỗ trợ khẩn cấp... còn phải kêu gọi các nhà bảo trợ quan tâm động viên, gần gũi các em. Để làm được như vậy, theo phân tích số liệu của chương trình, việc vận động cộng đồng trong giai đoạn hậu dịch Covid-19 những tháng cuối năm 2021 và quý đầu năm 2022 được sự quan tâm của rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp và bạn đọc. Lúc ấy, cảm xúc về sự mất mát vô cùng lớn khiến cộng đồng sẵn lòng góp sức chung tay.
Bước qua những quý cuối năm 2022, công việc làm ăn kinh doanh khó khăn hơn, nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp phải tập trung nhiều hơn với hoạt động khôi phục kinh tế, để tiến dần vào quỹ đạo bình thường và hy vọng phát triển. Rất nhiều bạn đọc, doanh nhân tâm sự rằng, sự ưu tiên để lo cơm áo gạo tiền cho người lao động trong bối cảnh khó khăn ấy là việc phải làm trước mắt. Do vậy, số lượng hồ sơ của trẻ ở các gia đình có bố (hoặc mẹ) mất vì Covid-19 đăng ký bảo trợ còn khoảng gần 40% đến nay vẫn chỉ ở mức hỗ trợ, chưa nhận được bảo trợ lâu dài. Đây là điều khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, và quyết định đưa ra một đợt phát động tiếp theo vào ngày 16.9.2022, nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ, bảo trợ cho những em còn lại. Rất may, dù phải cân nhắc, song nhiều doanh nghiệp, bạn đọc, nhà hảo tâm cũng tâm huyết hưởng ứng chương trình, khiến chúng tôi cảm thấy rất vui”.
Sau khi được bạn đọc Báo Thanh Niên bảo trợ tiền hằng tháng 4 triệu đồng, chị Nam bắt đầu cho hai bé song sinh đi học mầm non, còn chị trở lại công việc cũ trước đây là nhận hàng may gia công tại nhà. Công việc này giúp chị chủ động thời gian chăm sóc gia đình và đưa đón con đi học. Khi hết việc, chị lại đi chở hàng thuê, chạy xe ôm, còn ngày chủ nhật chị đến các chợ để bán quần áo. Một mình ngược xuôi giữa dòng đời tất bật, nhưng hiển hiện trong đôi mắt và lời nói của chị là sự hàm ơn về những giúp đỡ, yêu thương từ những con người xa lạ, đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn ban đầu.
Còn đối với gia đình chị Trần Thị Kim Dung (40 tuổi) ở Q.Bình Thạnh, thì nhà bảo trợ Nguyễn Đăng Toàn là một vị ân nhân sau khi chồng chị qua đời vì Covid-19. Khi đến với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên vào ngày 25.2.2022, chị Dung cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được anh Nguyễn Đăng Toàn bảo trợ cho cả 3 con của chị là H.T.H.V (19 tuổi), H.T.M.D (15 tuổi), H.T.M.X (10 tuổi) mỗi tháng tổng cộng 9 triệu đồng. Không những vậy, anh Toàn còn tạo điều kiện cho con gái của chị là H.T.H.V (đang học Khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) làm việc bán thời gian tại công ty và trả lương mỗi tháng 7 triệu đồng. Nhờ có thêm thu nhập này mà em H.T.H.V có thể yên tâm theo đuổi hành trình học tập của mình.
Cứ như thế, sức lan tỏa từ chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời đã nâng đỡ cho hàng trăm trẻ mồ côi, bằng nhiều hình thức, mà trong phạm vi bài viết không thể nào kể hết. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều em được bảo trợ, để con đường của các em đi mai này bớt chông gai trắc trở.
Bình luận (0)